Sign In

Những chặng đường lịch sử vẻ vang qua 91 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn

22:33 11/06/2024

Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1933 - 1945)

Tháng 8/1934, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị với đồng chí Lê Hồng Phong - Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, triệu tập và chủ trì cuộc họp với Chi bộ Thụy Hùng ở hang Áng Cúm. Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban cán sự Đảng tỉnh phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn từng bước phát triển.

Cao trào đấu tranh 1936 - 1939 trên phạm vi cả nước là thời kỳ phong trào cách mạng ở Lạng Sơn từng bước phục hồi dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ. Kết quả những cuộc đấu tranh của quần chúng đòi quyền dân sinh, dân chủ, bằng hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp ở Bắc Sơn và Tràng Định thời gian này đã khích lệ tinh thần cách mạng, tập dược đấu tranh chính trị cho quần chúng, chuẩn bị cơ sở cho những cuộc đấu tranh quyết liệt mới với kẻ thù trong giai đoạn cách mạng trước mắt: Đánh Pháp, đuổi Nhật tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đặc biệt là sự kiện thành lập Chi bộ Đảng châu Bắc Sơn (năm 1936) và Tràng Định (năm 1938) là minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm và niềm tin tuyệt đối của các chiến sĩ cách mạng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra (từ ngày 27/9 đến ngày 28/10/1940) đã có tác dụng trực tiếp, tích cực cổ vũ tinh thần đoàn kết đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh và gây tiếng vang lớn trên cả nước. Đội du kích Bắc Sơn ra đời, căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai được thành lập đã thực sự trở thành nòng cốt cho việc củng cố và phát triển phong trào cách mạng của các địa phương trong tỉnh. Việc sử dụng hình thức vũ trang giành chính quyền của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã trở thành bài học sâu sắc nhất cho quá trình chuẩn bị lực lượng mọi mặt, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Lạng Sơn...

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954)

Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp rắp tâm trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”, Đảng bộ và nhân dân Lạng Sơn đã đoàn kết đấu tranh bất khuất, kiên cường, anh dũng phá tan âm mưu bình định chiếm đóng của địch. Bằng những chiến công như: Ba Sơn, Chi Lăng, Lũng Vài, Lũng Phầy, Bó Củng, Đèo Khách, Bản Nằm... tiêu diệt hàng nghìn tên xâm lược, quân và dân Lạng Sơn đã góp phần cùng quân và dân cả nước biến con đường số 4 anh hùng trở thành “Con đường chết” đối với quân thù, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn, tạo ra một địa bàn hậu phương quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi đến thắng lợi: Đánh bại hoàn toàn quân viễn chinh Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975)

Từ năm 1954 - 1975, Nhân dân ta vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn bằng những chiến công và lòng dũng cảm đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng do Đảng dày công vun đắp. Các phong trào quần chúng rộng lớn từ vùng thấp đến vùng cao xa xôi hẻo lánh, từ nội địa đến biên giới, ở đâu cũng sôi nổi không khí chiến đấu cách mạng. Tuổi trẻ với phong trào “Ba sẵn sàng”, chị em phụ nữ với phong trào “Ba đảm đang”, lực lượng vũ trang với phong trào “Quyết thắng”, các cụ phụ lão với phong trào “Ba giỏi”, các cháu thiếu nhi với phong trào “Nghìn việc tốt”... đã biểu lộ ý chí “quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược” với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”. Hàng vạn cán bộ, đảng viên và thanh niên các dân tộc trong tỉnh đã tiếp nối cha anh, lớp lớp lên đường xông ra tiền tuyến giết giặc. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, Lạng Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt ở vị trí là “cảng nổi” của cả nước. Đảng bộ và nhân dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu; vừa chi viện đầy đủ cho tiền tuyến, vừa tăng cường lực lượng phòng, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ với việc bắn rơi 85 máy bay các loại của đế quốc Mỹ. Đó là những thành tích lớn, phấn khởi và tự hào mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã làm tròn trách nhiệm của mình, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oai hùng.

 Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới, hội nhập và phát triển (1975 đến nay)

Trong 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ năm 1975 đến năm 1985), một lần nữa, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn lại phải đương đầu với những thử thách, gian khổ mới trong bối cảnh vừa có hòa bình vừa phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Cùng một lúc phải tiến hành hàn gắn những vết thương do chiến tranh phá hoại và chiến tranh biên giới tàn phá là một thử thách nặng nề đối với Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn. Với ý chí kiên cường trước khó khăn, gian khổ, từ trong mất mát, thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu của đời sống kinh tế - xã hội, kiên định với đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua những trở ngại, tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, tìm tòi, định hướng, đóng góp không ngừng công sức và trí tuệ để khôi phục, củng cố, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước vươn lên giành những thành tựu mới, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, như Cương lĩnh chính trị của Đảng đã chỉ rõ.

Sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (1986 - 2024), Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh ngày càng phát triển ở miền biên cương của Tổ quốc.

Trong 10 năm đầu (1986 - 1996) tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, vượt lên những thách thức sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, Liên Xô và tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường cùng những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của tỉnh, kịp thời hoạch định những chủ trương đúng đắn và năng động, sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn; đồng thời, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế cũng như các tầng lớp nhân dân nên đã giành được những thành tựu bước đầu.

Từ năm 1996 đến năm 2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế của tỉnh trên cơ sở quán triệt quan điểm: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cùng với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội và quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh luôn nắm vững và giải quyết đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ...; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh, Đảng bộ lựa chọn những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm để tập trung lãnh đạo, tạo tiền đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng nhiệm kỳ. Trong giai đoạn, tỉnh đã đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tình hình chính trị luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc. Công tác xây dựng đảng được chú trọng. Tính đến ngày 15/3/2024, toàn Đảng bộ tỉnh có 684 tổ chức cơ sở đảng (308 đảng bộ cơ sở, 376 chi bộ cơ sở), với tổng số 70.250 đảng viên. Đã triển khai thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo Quy định số 137-QĐ/TW, ngày 01/12/2023 của Ban Bí thư. Công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ từ đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cán bộ. Triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 (2021 - 2026) và nhiệm kỳ 2025 - 2030 (2026 - 2031).

Trải qua 91 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vững chắc về mọi mặt. Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt và chủ động vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, nắm vững tình hình đặc điểm của tỉnh để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Luôn chú trọng xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh luôn kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương phù hợp với thực tiễn của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

Với ý nghĩa, bề dày truyền thống xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ lịch sử, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh, ngày 22/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 101-NQ/TU về Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quyết nghị lấy ngày 15/6/1933 là Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn.

1

Cảnh thành phố Lạng Sơn ngày nay

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Lạng Sơn (15/6/1933 - 15/6/2024), chúng ta tự hào về truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần cách mạng kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước của các thế hệ cha anh đi trước. Kế tục và phát huy truyền thống cao quý đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra ./.               

BAN BIÊN TẬP   

                 

                               

 

Tag:

File đính kèm