Tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh có trên 358.700 người tham gia BHXH, chiếm 35,96 % lực lượng lao động (khoảng 997.500 người), tăng 1,11 lần so với năm 2018, trong đó có trên 12.700 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 1,28% lực lượng lao động, tăng 4,63 lần so với năm 2018; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gần 332.600 người, chiếm 33,34% lực lượng lao động, tăng 1,09 lần so với năm 2018. Ttỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội là 7,37% (dân số sau độ tuổi nghỉ hưu trên 274.800 người).
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại huyện Cần Giuộc
Tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử tăng nhanh qua các năm, cụ thể, năm 2018 đạt 45,76%, đến nay đã đạt 90,5%; số còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, ít lao động. Mức độ thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến: Hiện tại, 100% dịch vụ công trực tuyến được triển khai thực hiện ở mức độ 4 (Năm 2020, BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của Ngành, việc này đã giúp cho tổ chức, cá nhân có thể thực hiện thao tác trực tiếp trên Cổng Giao dịch điện tử tại đỉa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn hoặc thông qua tổ chức I-VAN. Hiện nay, BHXH tỉnh đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết theo Quyết định 896/QĐ-BHXH ngày 16/9/2021 của BHXH Việt Nam gồm có 63 DVC trực tuyến (trong đó, 03 DVC thực hiện thanh toán trực tuyến, tự động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia), tất cả đều thực hiện ở cấp độ 4. Kể từ ngày 01/07/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An tiến hành tiếp nhận hồ sơ hưởng BHTN qua cổng Dịch vụ công Quốc gia và đã tiếp nhận trên 14.800 bộ hồ sơ).
Để đạt được kết quả như trên, có nhiều nguyên nhân. Cụ thể như sau: Một là, có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp được tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHXH tự nguyện; gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHXH tự nguyện đối với đơn vị mình; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW tại tỉnh Long An
Hai là, công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; trong đó tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, quyền lợi khi tham gia BHXH. Đồng thời, đổi mới nội dung tuyên truyền tư vấn trực tiếp, đối thoại trực tiếp, giải đáp thắc mắc của người tham gia thông qua các cuộc đối thoại.
Ba là, công tác kiểm tra việc chấp hành tham gia BHXH đối với người lao động được tăng cường, đồng thời kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước chấp hành nghiêm các chính sách pháp luật về BHXH. Kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, BHTN.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm tốt quyền lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHXH tự nguyện; kịp thời thông tin về thay đổi các chế độ, chính sách BHXH đến người tham gia.
Trong 05 năm qua, BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền trên 20 cuộc với hơn 2.000 người tham gia là nhà quản lý và làm công tác quản lý nhân sự của doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, BHXH; trong đó, tập trung những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tư vấn đối thoại trực tiếp theo từng nhóm đối tượng tại cơ sở (khoảng 25% số xã, phường, thị trấn/năm); cho cộng tác viên, nhân viên Tổ chức dịch vụ thu BHXH, cho trưởng ấp, khu phố, người có uy tín tại các chi, tổ, hội (từ 03 đến 05 hội nghị/tổ chức hội, đoàn thể/năm). Tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, mỗi tháng có tối thiểu 02 lượt phát thanh tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, chú trọng công tác tuyên truyền thông qua mạng xã hội không ngừng được đẩy mạnh và triển khai linh hoạt, hiệu quả thích ứng hơn với tình hình mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện cải cách chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: người tham gia BHXH bắt buộc tăng chậm; việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn do phần lớn người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu thuộc lĩnh vực lao động tự do, việc làm không ổn định, các ngành nghề tiểu thương mua bán kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập không thường xuyên; đối với khu vực nông thôn, thu nhập người dân bấp bênh, trong khi đó chuẩn hộ nghèo tăng dẫn đến mức đóng BHXH tự nguyện tăng lên, do vậy người tham gia không có khả năng tham gia tiếp tục, ngừng hàng loạt để chờ hưởng BHXH một lần; thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí còn quá dài. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHTN vẫn còn diễn ra tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp làm ảnh hưởng lớn đến giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Số người lao động trong khu vực doanh nghiệp làm đến 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu chiếm tỷ lệ rất thấp…
Nhìn chung, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, chính sách BHXH đã thật sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Công tác giải quyết và chi trả các chế độ BHXH kịp thời, đầy đủ; quyền lợi của người tham gia ngày càng mở rộng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn. Tổ chức bộ máy ngành BHXH tỉnh được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng hiệu lực, hiệu quả… Từ đó, góp phần thực hiện đúng chính sách BHXH, BHYT, BHTN bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, hướng tới hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra.
Phan Thị Cẩm Loan
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy