Là một tiến sĩ nhưng anh Khiết chọn làm nông nghiệp và trở thành nông dân thực thụ. Vì vậy mà nhiều người vẫn hay gọi anh là “tiến sĩ nông dân”. Từ năm 20 tuổi, khi đang còn là sinh viên ngành công nghệ sinh học, anh Khiết đã bắt đầu hành trình nghiên cứu, bảo tồn và sản xuất lan rừng quý hiếm, với việc thành lập phòng nuôi cấy mô lan đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, anh Khiết trở về quê nhà, xã Phước Lại, mở rộng quy mô hoạt động và thành lập hợp tác xã hoa lan Phước Lại với 14 thành viên, mỗi năm cung cấp 5-10 tấn chai mô và chai giống cho thị trường Đài Loan, Thái Lan, giúp người dân tăng thu nhập. Anh Khiết Chia sẻ: “Một lần tình cờ được Thầy giáo tặng 2 chậu lan rừng rất thơm và rất đẹp. Trong khi các giống lan ấy trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. Đặc biệt, lan rừng có giá trị kinh tế rất cao, một chậu lan có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu đến vài trăm triệu. Một lần vào rừng, bản thân tôi chứng kiến người dân vì muốn lấy 1 nhánh lan mà đốn hạ cả cây rừng. Chính từ những điều đó mà tôi quyết tâm thành lập phòng nuôi cấy mô để bảo tồn gen, nhân giống và sản xuất lan rừng. Vừa làm kinh tế, vừa bảo tồn những giống lan rừng quý hiếm”.
Tiến sĩ Thanh Khiết, đại diện duy nhất của tỉnh Long An được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ tư năm 2022
Đam mê và trăn trở với lan rừng, anh Khiết tranh thủ mọi thời gian, lặn lội đến các ngọn núi cao, các cánh rừng xa, để tìm kiếm những nhành lan quý hiếm về bảo tồn gen và nhân giống. Tin tưởng và ủng hộ con trai trong những ngày đầu khó khăn, ông Nguyễn Thanh Bình (ba ruột anh Khiết) sẵn sàng bán đất, thế chấp tài sản để anh Khiết theo đuổi ước mơ. Ông Bình trải lòng: “Có lần con trai tôi mua 1 chậu lan rừng với giá lên đến 150 triệu đồng, tôi thấy xót lắm nhưng cũng đưa giấy tờ đất cho con đi thế chấp vay ngân hàng, để mua lan về nhân giống. Mình cũng làm nông dân mà, nên đâu có tiền bạc gì nhưng mình có đất đai ông bà để lại. Những lúc con làm nghiên cứu thiếu vốn thì mình sẵn sàng bán một phần đất để giúp con theo đuổi khoa học”.
Anh Khiết sở hữu trên 2.000 giống lan rừng; trong đó có khoảng 300 loài lan quý hiếm như: ngọc điểm, thạch hộc tía,….
Với sự nỗ lực không ngừng của bản thân và sự ủng hộ hết lòng từ gia đình, đến nay anh Khiết đã sở hữu trên 2.000 giống lan rừng, cùng 6 phòng cấy mô và 36 vườn lan tại Long An và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Cũng như bao người nông dân khác, tiến sĩ Thanh Khiết rất đam mê lao động. Sau lan kiểng, anh dành 3 năm để nghiên cứu lan dược liệu. Kết quả anh đã bảo tồn thành công gen lan thạch hộc tía (là cây dược liệu quý hiếm, dược tính cao) và triển khai sản xuất theo hướng hữu cơ với mô hình Aquaponics tuần hoàn nước khép kín “trên lan – dưới cá”. Mô hình này giúp tận dụng phân đạm từ bể nuôi cá đã qua xử lý để tưới cây lan, giúp cho ra thành phẩm lan dược liệu sạch, không phân bón, thuốc bảo vệ hóa học. Anh Khiết cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện hàm lượng dược tính trong lan thạch hộc tía sẽ tăng cao khi sống trong môi trường ẩm độ cao, nhiệt độ thấp nên sau khi nuôi lấy lan tại vườn ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tôi đưa các cây lan lên núi Bidoup, Măng Đen (Tây Nguyên) để trồng”.
Lan dược liệu - thạch hộc tía được trồng theo phương pháp hữu cơ “trên lan_dưới cá”
Tiếp đó, anh Khiết mất thêm một năm nghiên cứu, khai thác hàm lượng axit amin trong lan thạch hộc tía thông qua nhộng trùng thảo. Anh sử dụng lan thạch hộc tía kết hợp với chân tổ yến, gạo huyết rồng làm cơ chất để cấy đông trùng, tạo ra một loại dược liệu quý là “đông trùng yến thạch hộc” với hàm lượng dược tính rất cao, nhất là hàm lượng cordycepin. Ông Bạch Ngọc Bay – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giuộc thông tin thêm: “Với kinh nghiệm, kiến thức của mình, thời gian qua anh Khiết đã chia sẻ và hỗ trợ đến nhiều hộ nông dân về kỹ thuật trồng và phát lan rừng để tạo kinh tế. Hiện anh Khiết đang dự định nhân giống cua lột để thả nuôi dưới vườn lan, thay cho cá. Vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa giúp phục hồi được giống cua bản địa của huyện Cần Giuộc”.
Sản phẩm “đông trùng yến thạch hộc” đang được anh Khiết hỗ trợ miễn phí cho các bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư
Ngoài công tác nghiên cứu, thời gian qua, anh Khiết cùng với các đơn vị, tổ chức đã thực hiện đưa hàng tấn lan rừng quý hiếm về với thiên nhiên ở các tỉnh, thành nhằm bảo tồn lan rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Anh Khiết cũng là người truyền cảm hứng và đồng hành, hướng dẫn nhiều sinh viên bảo vệ đề tài tốt nghiệp đại học. Trong năm 2022, anh trở thành đại diện duy nhất của tỉnh Long An được vinh danh là Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 4 do Trung ương hội nông dân tổ chức.
Không dừng lại ở 20 năm, mà hành trình nghiên cứu, bảo tồn lan rừng quý hiếm của tiến sĩ nông dân Thanh Khiết vẫn sẽ được tiếp nối trên chặng đường phía trước, góp phần tạo ra nhiều giá trị hữu ích cho môi trường thiên nhiên và cuộc sống.
Nam Kang