Sign In

Nam Định quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập

12:05 26/05/2024
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, toàn tỉnh có 1.656 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; bình quân một tháng có 138 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 630 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 158 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đặc biệt nhóm doanh nghiệp mới được cấp phép đầu tư tại địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây như Tập đoàn Quanta Computer Inc., Tập đoàn Toray (Nhật Bản)... đã bước vào giai đoạn hoàn tất xây dựng nhà xưởng, đưa vào vận hành sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Lượt xem: 5
Công ty TNHH Top Textiles của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã tổ chức vận hành chạy thử dây chuyền để sớm đưa Nhà máy Sản xuất các sản phẩm sợi vải tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vào hoạt động chính thức.

Với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tại các phiên họp điều hành phát triển kinh tế - xã hội hàng tháng, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo: “Bên cạnh việc duy trì hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang hoạt động, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần chú trọng hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tập trung giải quyết hiệu quả những nhu cầu, mong muốn chủ yếu của doanh nghiệp, đó là cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (cả chi phí chính thức và không chính thức), tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều phiền hà, như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường; tiếp cận tín dụng; tìm kiếm khách hàng; ổn định thị trường, ổn định chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp...”.

Trên tinh thần đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh các chương trình, biện pháp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp mới thành lập. Theo Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nguyễn Hoàng Anh: “Để công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp mới thành lập đạt hiệu quả cao, Ban Quản lý các KCN tỉnh cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư; tăng cường hiệu quả công tác giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và xử lý ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Đối với các vướng mắc không thuộc thẩm quyền thì tập hợp để kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, Tổ công tác 874 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư...”.  

Để các doanh nghiệp, trong đó có nhóm doanh nghiệp mới thành lập, thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thương vụ các nước. Đồng thời, hỗ trợ hàng hóa trong nước tiếp cận mạng lưới hệ thống bán lẻ tại nước ngoài. Thực hiện hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội, thách thức của các FTA mà nước ta đã, sẽ ký kết, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện cần thiết để chủ động phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại để phát triển. Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chất lượng; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân ở trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng thường xuyên học tập nâng cao trình độ, tay nghề.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định Đặng Văn Kim cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp; tổng dư nợ cho vay ước đạt 103.548 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 30.190 tỷ đồng, chiếm 29,2% và tăng 5,2%. Đây là tín hiệu bước đầu cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và các doanh nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và tương thích với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo, thời gian tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, tăng cường triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, lãi suất... tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục cho vay theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố Nam Định cũng gia tăng các biện pháp nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp mới thành lập; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính. Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng còn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và đẩy mạnh chấn chỉnh, kiểm soát, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công của các cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi, mang lại lợi ích, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, mong đợi của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Trung ương, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới như: Chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí thuế VAT; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời gian nộp các loại thuế... Bằng các cách đó, các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, đúng theo phương châm “thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh”, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế./.

Theo BaoNamDinh.VN

Tag:

File đính kèm