Kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của Nam Định tiếp tục giữ mạch tăng trưởng,
đứng thứ 3/11 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng.
Những quyết sách trong đầu tư hạ tầng trọng điểm, cải cách thủ tục hành chính để dần trở thành điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài đã đưa kinh tế Nam Định tăng trưởng ấn tượng, nằm trong top vùng đồng bằng sông Hồng.
Nam Định từ "thuần nông" đến địa chỉ mới của đầu tư nước ngoài
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay ngành công nghiệp và dịch vụ của Nam Định chiếm tỉ trọng khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế.
Nam Định cũng là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và hầu hết xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhiều xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, GRDP ước đạt 27.221 tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, chỉ sau TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Với mức tăng trưởng này, Nam Định trở thành địa phương đứng thứ 3/11 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 6/63 tỉnh, thành phố cả nước. Cơ cấu kinh tế duy trì theo hướng công nghiệp khi lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 42,01%; khu vực dịch vụ chiếm 34,46%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,82%,...
Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh này được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Công ty TNHH Công nghiệp Sinte Nam Định; Tập đoàn JiaWei đầu tư nhóm ba dự án sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD.
Ngoài ra, Tập đoàn Quanta Computer Inc cũng đầu tư dự án sản xuất máy tính với công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy/năm tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận,...
|
Không gian đô thị của Nam Định đang ngày càng có những bước chuyển mình. |
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đang là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Để phục vụ tốt nhất cho hoạt động đầu tư, tỉnh đã thiết kế hai nguồn điện riêng phục vụ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, do đó địa phương này cam kết không cắt điện, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020-2050, Nam Định xác định tổng mức đầu tư các dự án ưu tiên khoảng 681.320 tỉ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2020-2025 khoảng 54.690 tỉ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 107.010 tỉ đồng và khoảng 519.620 tỉ đồng trong giai đoạn 2030-2050.
Phương thức "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" tiếp tục được chú trọng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài.
Theo đó, ngân sách tỉnh tập trung đầu tư các công trình lớn, không đầu tư dàn trải và ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, các dự án thoát nước, xử lý môi trường, các công trình thủy lợi…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp và tổ công tác trực tiếp giúp chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận, xử lý thông tin nhằm kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Tập trung đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng
Ông Nguyễn Huy Hoàng - tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện - cho biết trong quá trình khảo sát đầu tư đã nhận thấy Nam Định là mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế.
"Môi trường đầu tư hiện nay của tỉnh rất thông thoáng, cởi mở với sự tích cực tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục theo quy định" - ông Hoàng chia sẻ.
Hiện nay, tập đoàn này đang tập trung nguồn lực để triển khai chuỗi dự án thuộc tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng với tổng vốn đầu tư 98.900 tỉ đồng.
|
Nhà máy đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Rạng Đông, tỉnh Nam Định. |
Ông Nguyễn Ngọc Giang - phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông - cho biết trong quá trình đơn vị triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Rạng Đông, các khó khăn vướng mắc về hoàn tất thủ tục, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh công năng sử dụng đất... đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ kịp thời.
"Điểm cộng hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Nam Định phải kể đến các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng. Trong đó, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu đã giúp chúng tôi khai thông được đường dẫn từ khu công nghiệp đến các cảng biển lân cận, rút ngắn thời gian đi lại tới các địa phương khác, góp phần giải quyết yêu cầu về logistics cho các doanh nghiệp" - ông Giang chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, chưa bao giờ tỉnh dành nguồn lực lớn như trong nhiệm kỳ này cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp.
|
Hệ thống giao thông kết nối liên vùng được tỉnh Nam Định chú trọng đầu tư để tăng sức hút. |
Riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 50.075 tỉ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 là 5.556,238 tỉ đồng.
Từ năm 2016 đến nay đã triển khai mở rộng, xây dựng mới 9 cụm công nghiệp với diện tích 316,66ha, lũy kế đến nay có 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 626,6ha; triển khai mở rộng, xây dựng mới 3 khu công nghiệp với diện tích 706,68ha, lũy kế đến nay có 6 khu công nghiệp với diện tích 1.288,72ha được đầu tư xây dựng.
Trọng tâm trong đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế của tỉnh là đã tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, có tính lan tỏa, kết nối liên vùng, gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị như: tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng./.
Theo baonamdinh.vn