Nút giao Quốc lộ 21 và cầu Thịnh Long bắc qua sông Ninh Cơ thuộc xã Hải Châu (Hải Hậu)
nằm trong Khu Kinh tế Ninh Cơ trong tương lai.
Năm 2008, KKT Ninh Cơ đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định 1353/QĐ-TTg, ngày 23-9-2008; đồng thời, phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và cũng đã được nêu trong hồ sơ quy hoạch tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh của Trung ương thẩm định. Sau khi KKT Ninh Cơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực xây dựng và hoàn thiện Đề án thành lập KKT Ninh Cơ. Ngày 20-10-2023 vừa qua, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 106/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập KKT Ninh Cơ. Khu vực quy hoạch xây dựng KKT Ninh Cơ hiện đã hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện về thu hút đầu tư, về hạ tầng, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, kết nối thuận lợi với các địa bàn trong vùng qua Quốc lộ 21, đường tỉnh 490C, đường trục phát triển từ Cao Bồ đến thị trấn Rạng Đông, tuyến đường bộ ven biển và gần cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh; hệ thống đường sắt Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; là đầu mối giao thông vận tải thủy của vùng với 2 cửa sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy; có tiềm năng lớn để xây dựng các cảng thủy nội địa tiếp nhận tàu cỡ lớn.
KKT Ninh Cơ trong tương lai sẽ gồm 2 thị trấn, 7 xã và vùng bãi bồi thuộc huyện Nghĩa Hưng và huyện Hải Hậu với quy mô 13.950ha. KKT Ninh Cơ được định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển, là đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch đồng bộ, hiện đại, phát triển theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, gắn với tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, một hệ sinh thái đầy đủ, tiện nghi, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối với vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với các trung tâm trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ và các tuyến vận tải quốc tế thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng thủy nội địa và đặc biệt là cảng biển chuyên dùng. Tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, riêng KKT Ninh Cơ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 14-15%/năm; đến năm 2030, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn KKT chiếm tỷ trọng khoảng 25%-30% so với toàn tỉnh, tỷ trọng khu vực nông, lâm và thủy sản giảm xuống chỉ còn khoảng 15% và tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực thương mại, dịch vụ đạt khoảng 85%. Việc thành lập và phát triển KKT Ninh Cơ không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh, mà còn có tác động lan tỏa, kết nối với các KKT ven biển khác của các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo động lực phát triển cho khu vực đồng bằng sông Hồng, vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ nói riêng và phát triển kinh tế biển cả nước nói chung.
Hiện nay trong và ngoài KKT đã có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ. Hệ thống đường liên tỉnh, liên huyện và đường giao thông nông thôn đã được nâng cấp hoàn thiện. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp đang được mở rộng, hiện đại hóa. Về đường bộ, KKT Ninh Cơ có tuyến đường ven biển đi qua; kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và cao tốc Bắc - Nam. Về đường sông, KKT Ninh Cơ là đầu mối giao thông vận tải thủy của vùng với 2 cửa sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy. Về đường biển, KKT có tiềm năng lớn để xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu (có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 300 nghìn tấn) phục vụ cho KKT Ninh Cơ và đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa trong khu vực và các tỉnh lân cận. Về hàng không, KKT kết nối thuận lợi với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng).
|
Cầu vượt Kênh Nghĩa Hưng (cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ) góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông
kết nối Khu Kinh tế Ninh Cơ với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. |
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật của KKT Ninh Cơ, theo đề xuất của tỉnh, định hướng phát triển không gian, khu chức năng trong KKT gồm 2 khu vực chính là phía nam sông Ninh Cơ (khu vực tập trung sản xuất, gồm thị trấn Rạng Đông, bãi bồi và 4 xã Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền); phía bắc sông Ninh Cơ (khu vực tập trung phát triển dịch vụ, bao gồm: thị trấn Thịnh Long và 3 xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa). Khu cảng biển, cảng thủy nội địa và dịch vụ hậu cần cảng có phạm vi không gian kéo dài từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy với chức năng là khu cảng biển tổng hợp và dịch vụ hậu cần phục vụ phát triển các nhà máy và các cơ sở công nghiệp không chỉ của tỉnh mà cả vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng; khu vực cảng thủy nội địa (cảng sông Đáy) xếp dỡ hàng hóa ở phía tây KKT Ninh Cơ phục vụ trực tiếp tổ hợp các nhà máy thép xanh và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa; tổng diện tích 129,8ha. Khu vực hơn 1.000ha rừng ngập mặn được định hướng kết hợp bảo tồn thiên nhiên với phát triển du lịch sinh thái.
Theo kết quả khảo sát đánh giá cho thấy KKT Ninh Cơ nói riêng hiện có lợi thế so với các địa phương khác trong vùng về dư địa phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh và KKT đã thu hút nhiều dự án lớn đặc biệt là các dự án của nhà đầu tư FDI như dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với 4,92 nghìn tỷ đồng (tương đương 203 triệu USD); các dự án lớn của Tập đoàn Xuân Thiện với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Cùng với việc ngày càng đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định nói chung và KKT Ninh Cơ nói riêng có cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Đầu tháng 11-2023, hồ sơ về KKT Ninh Cơ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các bộ, ngành Trung ương thẩm định trước khi tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để quyết định thành lập. Đây sẽ trở thành cực thu hút đầu tư, tăng trưởng mới của tỉnh, dự kiến đóng góp vào tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 với tỷ trọng khoảng 25%-30%; sẽ góp phần quan trọng tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030./.
Theo baonamdinh.vn