Sign In

Hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Đề án “Xã biên giới sạch về ma túy”

14:56 22/11/2024
Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) tỉnh Nghệ An có 1.197.628 người, chiếm 36%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đan xen tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa).

 

Có 05 dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu; có 27 xã biên giới tiếp giáp với 03 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay). Dọc tuyến biên giới có 01 cửa khẩu quốc tế (Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn), 01 cửa khẩu quốc gia (Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương) và 03 cửa khẩu phụ (Tam Hợp, huyện Tương Dương; Thông Thụ, huyện Quế Phong và Cao Vều, huyện Anh Sơn). Vùng DTTS-MN tỉnh Nghệ An là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Tỉnh Nghệ An có đường biên giới dài 468,281 km, chiếm gần 1/4 tổng chiều dài biên giới Việt-Lào, gần khu vực “Tam giác vàng” - thánh địa ma túy của khu vực Đông Nam Á, địa hình chủ yếu là rừng núi hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An trở thành địa bàn thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động. Với mục tiêu phấn đấu đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của cả nước, các cấp, các ngành đã vào cuộc tích cực để triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án “Xã biên giới sạch về ma túy”, trong đó, công tác dân vận trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm về ma túy, đảm bảo an ninh, trật tự đóng vai trò quan trọng.

Hệ thống dân vận và lực lượng vũ trang đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động tạo hiệu ứng lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành đánh giá cao, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện ma tuý trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên… Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý ngay từ cơ sở. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng biên để vận động đồng bào dân tộc thiểu số không vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy, vận động đồng bào phát hiện, tố giác tội phạm. Triển khai các giải pháp xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong vận động quần chúng, tranh thủ người có uy tín tại địa bàn các xã biên giới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”. Xác định, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín chính là “cánh tay nối dài” trên mặt trận này… Thông qua các buổi gặp mặt, truyền đạt kiến thức, các già làng, người có uy tín tại địa bàn các xã biên giới phát huy hết mình vai trò, trách nhiệm trong mọi hoạt động, với tinh thần cao, nhằm góp sức vào đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn ma túy, tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương mình.

Để phát huy phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, hệ thống dân vận các cấp đã phát động xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tham gia phòng, chống ma túy. Năm 2024, toàn tỉnh toàn tỉnh đăng ký xây dựng và duy trì 476 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Hệ thống dân vận phối hợp với lực lượng vũ trang tập trung vận động Nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, xây dựng địa bàn an toàn, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy. Phát triển các loại hình tự quản, xây dựng ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, đơn vị, duy trì tốt diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm… Đa dạng hóa các nội dung và hình thức vận động, tuyên truyền; khai thác, sử dụng hiệu quả các trang mạng xã hội để triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin cho các hộ dân tại các địa bàn dân cư; thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động phát động Nhân dân tại các địa bàn trọng điểm đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy. Xây dựng mỗi thôn, xóm, khu phố là một “pháo đài” về phòng, chống ma túy, mỗi gia đình là “lá chắn” bảo vệ các thành viên trong gia đình trước sự xâm nhập của tệ nạn ma túy. Kịp thời trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trong cộng đồng với các tổ nhân dân tự quản, gia đình có các đối tượng nguy cơ cao, người đang cai nghiện tại cộng đồng để có các giải pháp phòng, chống, giúp đỡ, răn đe, tố giác tội phạm.

Bên cạnh đó, hệ thống dân vận đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, phát huy, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh xây dựng 1.212 mô hình trên lĩnh vực kinh tế, các mô hình tập trung vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Trong số 2.298 mô hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 8.440 căn nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, trong đó 3.580 nhà lắp ghép; 3.780 nhà xây mới; 1.064 nhà sửa chữa. Các hộ nghèo tại vùng biên giới được quan tâm đảm bảo cuộc sống ổn định. Hệ thống dân vận các cấp xây dựng chương trình phối hợp với lực lượng thực hiện công tác dân vận vùng đặc thù, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng, địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án và nhân rộng địa bàn, tiến tới huyện, thành phố, thị xã sạch về ma túy cần quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động với các nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất là, tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phòng, chống tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy, tệ nạn xã hội.

Thứ hai là, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, hệ thống chính trị cần quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn ma túy; ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp cần tiếp tục phối kết hợp sâu sát cơ sở để tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Thứ ba là, hướng dẫn hệ thống dân vận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp lực lượng vũ trang mà nòng cốt là công an thường xuyên phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố, nhân rộng và xây dựng mới mô hình “Xã không tệ nạn ma túy”.

Thứ tư là, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, cơ quan chức năng các cấp cần xác định rõ công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới nói chung và nhân rộng các xã trên địa bàn nói riêng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác vận động quần chúng.

Thứ năm là, tiếp tục tìm hiểu về trình độ, năng khiếu, sở trường, đặc điểm lịch sử và điểm mạnh, điểm yếu, thái độ của người có uy tín trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; nắm bắt hoàn cảnh gia đình và những ảnh hưởng mà họ có thể tác động đến mọi người. Sau cơ quan chức năng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn hoàn cảnh và điều kiện để tiếp xúc tạo mối quan hệ, cụ thể: Với già làng, trưởng bản, người có uy tín thuộc các lĩnh vực khác… cần tiếp xúc thăm hỏi, động viên, tặng quà, sau đó tuyên truyền để họ nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác đảm bảo ANTT, tự giác khuyên bảo con cháu và trực tiếp gặp gỡ, vận động đối tượng, Nhân dân trong bản làng phân tích giải thích về tác hại của ma túy đối với xã hội, kêu gọi người dân, nêu cao tinh thần cảnh giác, không tham gia các hoạt động tội phạm, tệ nạn ma túy, bài trừ tệ nạn ma túy, không để con, em, người thân trong gia đình tham gia các hoạt động tội phạm, tệ nạn ma túy.

Thứ sáu là, tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, giải quyết kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Thực hiện tốt diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến của Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia hòm thư tố giác tội phạm.

Thứ bảy là, tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Thứ tám là, các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy hơn nữa trong việc huy động lực lượng tập trung chỉ đạo “làm sạch” ma túy để tiến tới hoàn thành mục tiêu về xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, triển khai nhân rộng ra các xã còn lại trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu xây dựng “huyện, thành phố, thị xã sạch ma túy”./.

                       Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tag:

File đính kèm