Sign In

Kết quả 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

07:14 15/11/2024
Ngày 20/11/2018, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Qua 05 năm triển khai thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.

 

Để triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh đã lãnh đạo, sở, ban, ngành, các địa phương quán triệt thực hiện Luật PCTN năm 2018; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác PCTN. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành 1.243 văn bản; UBND tỉnh ban hành 16 quyết định, 20 kế hoạch, 43 công văn để cụ thể hóa công tác lãnh đạo, và chỉ đạo, nổi bật như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN,TC đến năm 2030 của tỉnh Nghệ An; Kế hoạch thực hiện công tác PCTN,TC hàng năm; Kế hoạch đánh giá công tác PCTN hàng năm; Phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm; Công văn về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành văn bản quy phạm pháp luật; Công văn về triển khai chương trình công tác hàng năm của BCĐ Trung ương về PCTN,TC,.…

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cơ quan thông tấn, báo chí đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Trong 05 năm, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.788 lớp với 201.834 lượt người tham gia và được phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; 2.061 bài dự thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ phát động.

Việc thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được triển khai quyết liệt. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch về hoạt động của cơ quan, tổ chức. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát cơ chế, chính sách, ban hành mới 526 văn bản; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 197 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; 21 sở, ngành, 11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, 21 đơn vị cấp huyện đã ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp; sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa một số quy định của Luật Cán bộ, công chức, Chỉ thị số 26/CT-TTg và Chỉ thị số 17-CT/TU vào Quy chế văn hóa công sở; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 2.572 trường hợp nhằm phòng, ngừa tham nhũng; tổ chức kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, thực hiện quản lý tài sản thu nhập theo quy định.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm góp phần trong công tác phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt và dành nhiều nguồn lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC); chỉ đạo rà soát các TTHC, rút ngắn thời gian xử lý công việc của tổ chức và công dân; thường xuyên, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc. Tăng cường thực hiện ứng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tham mưu xử lý công việc; 100% văn bản đến và văn bản đi (trừ các đơn vị chưa được kết nối phần mềm dùng chung của tỉnh và các văn bản mật) đều được theo dõi, xử lý trên môi trường mạng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc; 100% các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện việc trả lương cho công chức, viên chức và người lao động qua tài khoản.

  Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong PCTN được triển khai nghiêm túc. Toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 475 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTNTC tại 583 đơn vị, đã ban hành kết luận 353 cuộc. Qua thanh tra kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 298 tổ chức và 1.425 cá nhân có sai phạm.

Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh Nghệ An đã thụ lý điều tra 92vụ/316 bị can, đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 81 vụ/280 bị can; Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp thụ lý giải quyết 82 vụ/278 bị can, đã truy tố, chuyển Tòa án 81 vụ/273 bị can; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 100 vụ/386 bị cáo, đã xét xử 89 vụ/ 294 bị cáo; đang trong thời gian xét xử: 11 vụ/92 bị cáo. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được: 92.713.600.267 triệu đồng; đã thu hồi 62.636.019.267 đồng (đạt tỷ lệ 76,561%). Cũng trong 05 năm, toàn tỉnh có 05 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; 03 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong công tác PCTN. Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có nhiều bài viết phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về PCTN, tiêu cực; thông tin kịp thời, chính xác những vụ án, vụ việc tham nhũng đang được điều tra, xử lý… góp phần tích cực tạo dư luận xã hội trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nhân dân trên địa bàn tỉnh có nhiều ý kiến đóng góp, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực; trực tiếp giám sát việc xây dựng công trình tại địa phương mình… đã góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng tiêu cực trên địa bàn.

Nhìn chung, trong 5 năm qua, công tác PCTN trên địa bàn được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tiếp tục được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về thực hiện pháp luật PCTN trong cán bộ, công chức và Nhân dân. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, góp phần thực hiện nhiệm vụ PCTN; đã phát hiện, kết luận và xử lý thu hồi vi phạm về kinh tế; các tổ chức, cá nhân sai phạm đều xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan: Công an, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân đã kịp thời điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng; tăng cường phối hợp trong việc xử lý các vụ án tham nhũng. Một số vụ việc có hành vi tham nhũng đã kịp thời được điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, củng cố lòng tin trong nhân dân.

Trần Tuyết - Ban Nội chính Tỉnh ủy 

 

Tag:

File đính kèm