Sign In

Xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

15:33 27/09/2024
Trong những năm qua, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cơ yếu - công nghệ thông tin đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản, chỉ thị, nghị quyết… về công tác cơ yếu, công tác bảo mật an toàn thông tin.

Vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật, an toàn thông tin của Đảng, Nhà nước được chú trọng và công tác quản lý, xây dựng, sử dụng lực lượng cơ yếu đã được các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm nhiều hơn. Các cơ quan trực tiếp quản lý cơ yếu đã thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục chính trị - tư tưởng, các chế độ, chính sách của người làm công tác cơ yếu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, nhân viên cơ yếu được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn.

Mỗi cán bộ cơ yếu trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, phối hợp triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp. Góp phần xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức vững mạnh, phù hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ; xây dựng và phát triển hệ thống kỹ thuật mật mã vững chắc, đồng bộ, từng bước hiện đại. Hệ thống kỹ thuật mật mã luôn được duy trì, nâng cấp trang bị bảo đảm tính bền vững, hoạt động hiệu quả; công tác tiếp nhận đưa vào khai thác, sử dụng các trang thiết bị bảo mật, các sản phẩm mật mã, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện khoa học, quản lý chặt chẽ, thống nhất theo phân cấp, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Chế độ kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng, đánh giá được thực hiện đúng nguyên tắc. Công tác tham mưu về chuyên môn nghiệp vụ được chú trọng; công tác huấn luyện nghiệp vụ có nhiều chuyển biến tích cực.

Cũng như nhiều địa phương khác, Nghệ An đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp (trích Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Tỉnh uỷ Nghệ An về chuyển đổi số). Với nỗ lực xây dựng, phát triển chính quyền số nhằm hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân tốt hơn, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây. Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia….

Đồng thời, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra hàng loạt thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về lộ lọt bí mật nhà nước, mất an ninh, an toàn thông tin, đòi hỏi công tác cơ yếu, bảo vệ bí mật, an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước cần được đặc biệt chú trọng.

Hiện nay, nguy cơ mất an toàn và lộ lọt thông tin bí mật quốc gia tăng cao, các thế lực thù địch tìm mọi cách tiến hành hoạt động thu tin, mã thám, lấy cắp thông tin bí mật nhà nước nên nguy cơ mất an toàn và lộ lọt thông tin bí mật nhà nước ngày càng cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc của các cơ quan quản lý nhà nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức như việc rò rỉ, lộ lọt thông tin, xuyên tạc và phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật…

 Bên cạnh đó, các hình thức, phương tiện lưu giữ, truyền tải thông tin và nhu cầu sử dụng thông tin ở các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng tăng, do đó nhu cầu tăng cường ứng dụng giải pháp của ngành Cơ yếu để đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin bởi đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần giữ thành quả đạt được mà còn đảm bảo sự liên thông, liên tục cho quá trình vận hành hệ thống.

Hiện đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có tinh thần nỗ lực, cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên để đảm bảo thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, chính quyền số, mỗi cán bộ, nhân viên cơ yếu cần nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, phần mềm, ứng dụng của ngành Cơ yếu để phát huy hiệu quả hệ thống, trang thiết bị nghiệp vụ của ngành, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh xảy ra, đồng thời có thể tham gia vào một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Công tác cơ yếu, bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin được xác định là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và lâu dài; đội ngũ những người làm cơ yếu phải thực sự phát huy vai trò nòng cốt, có những chuyển đổi căn bản về nhận thức, cách làm; xây dựng và phát triển lực lượng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

Đình Đào, Thanh Mơ 

Tag:

File đính kèm