Sign In

Kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

16:02 30/05/2024
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả.

Hệ thống tổ chức hội khuyến học được xây dựng và phát triển rộng khắp từ tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến khối, xóm, thôn, bản; cơ quan, đơn vị, dòng họ, hội đồng hương. Toàn tỉnh có 21/21 hội khuyến học cấp huyện; 460/460 hội khuyến học cấp xã; trên 4.096 chi hội khuyến học khối, xóm, làng, bản; trên 9.286 ban khuyến học dòng họ, hội đồng hương; 2.296 ban khuyến học cơ quan, đơn vị. Toàn tỉnh có gần 88,8 vạn hội viên, đạt tỷ lệ trên 25,76% hội viên/dân số. Phát triển các loại hình quỹ khuyến học ở cơ sở được quan tâm và đa dạng hóa phương thức vận động, nhất vào dịp Tết Khuyến học và Tháng Khuyến học để các cấp hội trao thưởng khuyến học, học bổng cho các em học sinh, sinh viên. Công tác xây dựng và phát triển gia đình học tập được chú trọng, số gia đình học tập ngày một tăng nhanh về số lượng và chất lượng, đến nay có 556.862 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”/tổng số 834.926 gia đình, đạt tỉ lệ 66,7%.

Công tác xây dựng và phát triển dòng họ học tập ngày càng phát huy vai trò thể hiện truyền thống hiếu học của con người xứ Nghệ, các dòng họ hiếu học đã thể hiện tốt vai trò, khuyến khích thi đua giữa các dòng họ góp phần thúc đẩy sự học tập của con em mình. Đến nay, có 7.531 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”/tổng số 10.025 dòng họ, đạt tỉ lệ 75,12 %. Hoạt động khuyến học tại cộng đồng dân cư gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ngoài ra các đơn vị khuyến học, hay còn gọi là ban khuyến học của trường học, các đơn vị doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các đơn vị sự nghiệp… cũng phát triển khá trong những năm qua, đến nay có 3.101 cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”/tổng số 4.096 cộng đồng, đạt tỉ lệ 75,71%.

Xuất hiện hiều cách làm hiệu quả như: Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Chương trình “học không bao giờ cùng” của Hội Khuyến học tỉnh... Từ làm tốt công tác khuyến học, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững và có bước tiến bộ vững chắc. Kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế luôn đứng tốp đầu cả nước. Các hoạt động của phong trào xây dựng và phát triển các mô hình học tập được lồng ghép, phối hợp triển khai đồng thời với các phong trào thi đua khuyến học khác như: Tết Khuyến học Nghệ An, Tháng Khuyến học Nghệ An, Tiếng trống - Tiếng kẻng học bài, Đàn gà - vườn chuối khuyến học, Nuôi lợn đất khuyến học, Khai bút đầu Xuân... và có tác dụng tạo nên sức mạnh tổng hợp, tác động mạnh mẽ  đến công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; có tác dụng tích cực đến công cuộc đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và kinh tế - xã hội của tỉnh. Ở mô hình này, học sinh được quản lý, học tập và rèn luyện nề nếp, trưởng thành, ít sa vào các tệ nạn xã hội, an ninh thôn xóm bình yên hơn; người lớn được học tập tiếp thu, chuyển giao khoa học, công nghệ, các chủ trương, chính sách kịp thời, sản xuất được phát triển tốt hơn, đời sống người dân được nâng cao ...

Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, các trường chuyên nghiệp tham gia vào công tác đào tạo theo hình thức vừa học, vừa làm, từ xa; đào tạo tin học, ngoại ngữ… trung bình hằng năm 3-4 ngàn học viên đào tạo từ xa cho người học trong và ngoài tỉnh. Tỉnh làm tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật… để được học tập suốt đời; qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cải thiện việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Tiếp nhận đào tạo đại học và sau đại học cho 100 cán bộ, sinh viên và hoàn thành đào tạo Tiếng Việt cho 111 lưu học sinh Lào năm 2022; hoàn thành thủ tục tiếp nhận đào tạo đại học và sau đại học cho 101 cán bộ, sinh viên và đào tạo Tiếng Việt cho 121 lưu học sinh Lào năm 2023. Nghệ An là địa phương đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lưu học sinh Lào tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dự kiến tuyển sinh từ năm học 2023 - 2024.

Từ triển khai hiệu quả Kết luận số 49 đã góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tổ chức tuyên truyền, vận động, thúc đẩy việc học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và giáo dục, trở thành nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Quang Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Tag:

File đính kèm