Sign In

Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước

16:55 29/05/2024
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với báo cáo kinh tế-  xã hội của Chính phủ và đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đại biểu cho rằng, nếu nhìn sâu hơn vào mức độ đóng góp của các động lực tăng trưởng thì tiêu dùng bao gồm tiêu dùng của Nhà nước và tiêu dùng của dân cư đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó việc tăng chi tiêu hợp lý của Nhà nước sẽ góp phần giúp người dân có thêm tiền để chi tiêu, tăng sức mua; các khoản hỗ trợ, trợ cấp sẽ góp phần giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, cả chi tiêu Nhà nước và tiêu dùng tư nhân vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội trường

Theo đại biểu, để thúc đẩy kinh tế tăng tốc phục hồi, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng từ đó tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân. Đại biểu kiến nghị 3 giải pháp cần tập trung thực hiện:

Một là, hiện nay, với các chỉ tiêu an toàn nợ công ở mức thấp và an toàn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân (tương tự như năm 2023), trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước (vừa là kích cầu tiêu dùng, vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế); đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng…Cùng với đó, có chính sách, giải pháp kích cầu tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý để vừa kích cầu tiêu dùng cá nhân, vừa giảm tín dụng đen.

Hai là, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, kích cầu đầu tư tư nhân, tăng niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo sâu sát hơn các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có bước đột phá. Cùng với đó, nên nghiên cứu đề xuất luật hóa việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo vì cái chung…Bên cạnh đó, Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn về tình hình doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp, cải thiện thực chất số liệu này; đánh giá về các chỉ số như đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng (trong đó có hạ tầng số), chất lượng môi trường,qui mô chính xác của kinh tế số, kinh tế xanh…để có quyết sách cải thiện mạnh mẽ, phù hợp hơn, tốt hơn.

Ba là, phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế trong phát triển tiêu dùng, đại biểu cho rằng đây là vấn đề không mới song lại đang đặt ra cấp thiết trong bối cảnh một số động lực, cực tăng trưởng hay các vùng kinh tế trọng điểm đang có mức tăng trưởng còn khiêm tốn, làm giảm vai trò và mức đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện, ban hành các quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương và các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến việc thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách liên kết vùng và cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Qua đó phát huy tốt hơn vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn tiềm năng, tăng khả năng dẫn dắt, lan tỏa với các vùng, địa bàn khác trong việc tiên phong phát triển tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

                                                                   Nguyễn Thị Vân Giang
                                                          Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh





 

Tag:

File đính kèm