Sign In

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư khóa XI về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

17:22 27/08/2024
Ngày 27/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.


Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh; đại diện Thường trực các huyện, thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố...


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn
báo cáo kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW.

Báo cáo tại hội nghị khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và xã hội về đào tạo nhân lực có tay nghề cao ngày càng được nâng lên. Công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số về đào tạo lao động trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Bình luôn đạt thứ hạng cao.

Hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN từng bước được hoàn thiện, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, doanh nghiệp có năng lực tham gia vào hoạt động GDNN; ban hành các chính sách để hỗ trợ đào tạo nghề dài hạn cho con em là người Ninh Bình…

Mạng lưới cơ sở GDNN ngày càng phát triển. Đến ngày 30/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở GDNN, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo được tăng cường, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. nghiệp vụ. Nội dung, chương trình, phương thức đào tạo nghề nghiệp được cập nhật, đổi mới, bảo đảm "học đi đôi với hành"…, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về GDNN được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao… Sau 10 năm, toàn tỉnh ước tính đào tạo nghề cho khoảng 200 nghìn người. Dự kiến, đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành; trong thực hiện cơ chế, chính sách để triển khai các nội dung hoạt động; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động; kinh nghiệm trong phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề… Trên cơ sở đó, đóng góp ý kiến đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đào tạo nhân lực tay nghề cao của tỉnh, phục vụ CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đào tạo nhân lực tay nghề cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng  thời chỉ rõ, bên cạnh những kết quả nổi bật, thực tế vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục sớm như: Chất lượng nguồn lao động cơ bản đáp ứng được yêu cầu xã hội nhưng chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế; công tác tuyển sinh của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn… 

Xác định rõ, đào tạo nhân lực có tay nghề cao là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo để góp phần xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng là Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. 

Đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp đối với công tác GDNN nói chung, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng; đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với công tác đào tạo nghề chất lượng cao.  Tăng cường gắn kết giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. 

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp để tăng quy mô, số lượng lao động qua đào tạo phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của tỉnh; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội đối với công tác đào tạo nghề; đồng thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế, trao đổi chương trình đào tạo, phối hợp đánh giá chất lượng đào tạo và phát triển thị trường lao động…


Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc.


Tại hội nghị, 10 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 37 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

nguồn: Đào Hằng-Trường Giang/baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/tong-ket-10-nam-thuc-hien-chi-thi-so-37-cua-ban-bi-thu-khoa/d20240827145755244.htm

Tag:

File đính kèm