Sáng 16/11, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, chúc mừng nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023) và làm việc với các đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình hình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn tặng hoa
chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày truyền thống. Ảnh: Đức Lam
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố.
Phát biểu mở đầu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn qua buổi làm việc sẽ nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến đa chiều của lãnh đạo, quản lý, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp; nhìn nhận rõ những kết quả nổi bật đạt được, những mặt mạnh cần phát huy, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tế. Từ đó đề xuất các quan điểm, giải pháp phù hợp để phát triển GD&ĐT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, xu thế hiện nay.
Nhân dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn cũng tặng hoa chúc mừng, biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được của ngành GD&ĐT tỉnh. Bày tỏ tin tưởng ngành sẽ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cùng tỉnh sớm thực hiện được mục tiêu xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của đất nước.
Quang cảnh buổi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
với các đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Minh Quang
|
Theo Báo cáo tình hình GD&ĐT tỉnh do đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày tại buổi làm việc: Tỉnh Ninh Bình hiện có 476 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập với 7.500 lớp/nhóm lớp, trên 250.000 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 36 trung tâm ngoại ngữ tư thục, 14 trung tâm giáo dục kỹ năng sống. Mạng lưới, quy mô trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Ninh Bình là một trong 7 tỉnh, thành phố của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2.
Toàn ngành có gần 16 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 96,9%, trong đó trên chuẩn là 37,3%, có 3 tiến sĩ, trên 700 thạc sỹ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.
Những năm qua, Sở đã tập trung tham mưu, chỉ đạo và triển khai toàn diện các nhiệm vụ, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy giáo dục - đào tạo phát triển, tăng cường cơ sở vật chất trường học, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, năng lực học sinh; nâng cao chất lượng mũi nhọn; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, văn hóa, nhân văn.
Ninh Bình liên tục đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT. Số lượng, chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia được nâng lên. Tham gia các sân chơi trí tuệ, Ninh Bình có nhiều học sinh đạt thành tích cao. Sở Giáo dục và Đào tạo nằm trong tốp 5 đơn vị dẫn đầu của tỉnh về chỉ số CCHC; năm 2022, đơn vị dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất các trường học. Tiếp tục xúc tiến đầu tư và có chính sách phát triển hệ thống trường ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và loại hình đáp ứng nhu cầu người học, đảm bảo định hướng phân luồng khoảng 15%. Có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với nhân viên nuôi dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Hằng năm tiếp tục dành ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương tăng cường cơ sở vật chất trường lớp…
Về tình hình giáo dục nghề nghiệp, theo báo cáo của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục; với 192 cán bộ quản lý, đảm bảo đáp ứng cho công tác quản lý GDNN.
Từ năm 2020 đến tháng 10/2023 trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 66.061 người lao động, góp phần tăng tỉ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 65% (năm 2020) lên 68% (năm 2022), ước đạt 69,5% vào năm 2023, đóng góp tích cực trong việc cung ứng nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị giáo dục cũng tập trung làm rõ một số khó khăn còn gặp phải như tình trạng thiếu về cơ sở vật chất, công tác quy hoạch sử dụng đất cho giáo dục nhiều nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến một số trường còn quá tải về số lớp, số học sinh, không đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia hiện nay, gây khó khăn trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; tình trạng thiếu phòng chức năng, nhà đa năng; tình trạng thiếu giáo viên bộ môn trong các cơ sở giáo dục; thiếu nhân viên y tế học đường; ngân sách cho chi thường xuyên còn hạn chế; việc đầu tư cho công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị giáo dục tập trung vào các nội dung như: nghiên cứu tăng chi thường xuyên để tăng tính chủ động cho các đơn vị giáo dục; có kế hoạch dài hơi trong đầu tư xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc; quan tâm đến nhân lực, chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức công tác tại các phòng GD&ĐT; quan tâm đào tạo giáo viên tin học, nghệ thuật, giáo dục thể chất, giáo viên dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; quan tâm tới công tác đào tạo nghề…
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan đã trao đổi, làm rõ những kiến nghị, đề xuất của ngành GD&ĐT, các đơn vị giáo dục và các địa phương.
Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính trao đổi, làm rõ những kiến nghị,
đề xuất của ngành GD&ĐT, các đơn vị giáo dục và các địa phương. Ảnh: Minh Quang
|
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận và chúc mừng những kết quả mà ngành GD&ĐT đã đạt được, nhiều chỉ số có bứt phá khá ngoạn mục trên bản đồ thành tích của ngành Giáo dục nước nhà.
Đồng chí cũng nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm ngành GD&ĐT tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, gặt hái nhiều thành công hơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Minh Quang
|
Trong đó đề nghị ngành GD&ĐT cần tiếp tục có nhiều đổi mới hơn nữa trong công tác quản lý, đồng bộ trong đào tạo các cấp học, tạo sự công bằng trong giáo dục, đáp ứng sự phát triển của xã hội. Bám sát quan điểm lấy học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, gia đình là trụ cột trong thực hiện mục tiêu cốt lõi trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Quan tâm đến phát huy năng lực, năng khiếu của học sinh, tạo sự tự tin, hạnh phúc cho học sinh khi đến trường học tập, chủ động trong lập nghiệp.
Chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan cần tham mưu với tỉnh trong việc quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, đầu tư thiết chế giáo dục theo quy chuẩn, tạo dựng cảnh quan, môi trường sư phạm, xây dựng công trình vệ sinh trường học văn minh, quan tâm đúng mức vấn đề dinh dưỡng học đường. Phối hợp linh hoạt, phát huy hiệu quả các mô hình giáo dục.
Tăng cường học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trong cả nước để có hướng đầu tư phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập hiệu quả, giảm bớt áp lực, tăng tính cạnh tranh và góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục công lập, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Cần quan tâm lựa chọn, phát triển, định hướng các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, chung tay đầu tư phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cũng ghi nhận, giải đáp những đề xuất, kiến nghị của ngành GD&ĐT, đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan hỗ trợ giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định, cùng ngành tháo gỡ khó khăn, đưa giáo dục Ninh Bình phát triển đúng định hướng, gặt hái nhiều thành công, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh trong giai đoạn mới.
nguồn: Hồng Vân- Minh Quang - Đức Lam/baoninhbinh.org.vn
https://baoninhbinh.org.vn/dong-chi-bi-thu-tinh-uy-tham-chuc-mung-nhan-ngay-nha-giao/d20231116102957235.htm