Thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật (Điều 1) tại khoản 3 (Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hạ tầng chất lượng quốc gia, tạo điều kiện xây dựng thành tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực, đặc thù của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, chương trình, đề án trọng điểm quốc gia và yêu cầu hội nhập quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước) dự thảo Luật, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng việc bổ sung quy định về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là phù hợp, nhằm định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế; định hướng cho công tác kiểm soát, quản lý chất lượng.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại Tổ.
Tuy nhiên, để quy định được cụ thể hơn, đại biểu Hương đề nghị cần nghiên cứu thêm theo hướng: Quy định rõ hơn về giai đoạn, thời kỳ, quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của chiến lược; quy định rõ hơn về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế; bổ sung nguyên tắc, căn cứ xây dựng chiến lược, thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Tại khoản 4 (Phát triển nền tảng số quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm kết nối và chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; thúc đẩy tiêu chuẩn về chuyển đổi số, số hoá, định danh đơn nhất, mã hóa dữ liệu dạng ngôn ngữ máy có thể đọc, nhận dạng và thu thập dữ liệu liên quan đến các đối tượng quản lý trong chuỗi giá trị cung ứng, kết nối toàn cầu) dự thảo Luật, đại biểu Hương đề nghị cần nghiên cứu, quy định rõ hơn về thông báo tiêu chuẩn cơ sở: Việc thông báo các tiêu chuẩn cơ sở này có thể thực hiện sau khi đã đưa sản phẩm hàng hóa ra lưu thông; hình thức thông báo là trên môi trường điện tử, theo đó, hệ thống sẽ tự động tiếp nhận và xác nhận đã tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp.
Tại khoản 7 (Nhà nước hỗ trợ nguồn lực để các đại diện của Việt Nam tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ là thành viên) dự thảo Luật, đại biểu Hương đề nghị cần nghiên cứu, quy định rõ để phân biệt rõ ràng về thẩm quyền xuất bản, phát hành Tiêu chuẩn Việt Nam, trách nhiệm bản quyền của chủ thể xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam, tránh trùng lắp về thẩm quyền và trách nhiệm.
Ngoài ra, theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn chất lượng hiện hành quy định theo hướng doanh nghiệp phải tự mình làm thủ tục công bố hợp quy sau khi đã sử dụng dịch vụ chứng nhận hợp quy của một bên cung cấp dịch vụ. Trên thực tế, nhiều đơn vị đang cung cấp dịch vụ trọn gói bao gồm đánh giá sự phù hợp và làm thủ tục công bố hợp quy, nhưng vẫn đứng tên doanh nghiệp để nộp hồ sơ. Do vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng: doanh nghiệp có thể tự mình nộp hồ sơ công bố hợp quy hoặc uỷ quyền cho đơn vị đánh giá sự phù hợp nộp hồ sơ.
Nhằm tránh trường hợp bảo hộ sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn quốc gia, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật theo hướng: đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia sẽ được áp dụng trên toàn quốc, không phải chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ.
Xuân Bính