Đổi mới qua các thời kỳ
Từ khi thành lập đến tháng 10/1948, Đảng chưa thành lập cơ quan kiểm tra chuyên trách. Cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng. Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị, sự lớn mạnh của tổ chức Đảng đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác kiểm tra, ngày 16/10/1948 tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương; Quyết nghị nêu rõ: “...Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng…”. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy; Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng Ban.
Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và công tác xây dựng Đảng. Sau này, Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII quyết định lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống của Ngành Kiểm tra Đảng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Ban Chấp hành Trung ương ra quyết nghị giao Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất, do đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến tháng 4/1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Ngày 06/3/1956, Bộ Chính trị khoá II ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp. Từ đó, ban kiểm tra các khu uỷ, tỉnh uỷ, thành uỷ được thành lập.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (tháng 3/1957) chủ trương tách Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra Chính phủ làm hai. Tháng 4/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác ban kiểm tra của Đảng ở các cấp hiện nay chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban Thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp ủy và Ủy ban Hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, Ban Kiểm tra của Đảng và Ban Thanh tra của Chính quyền được tách riêng.
Từ Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), ban kiểm tra được đổi tên thành ủy ban kiểm tra và do cấp uỷ cùng cấp bầu ra; ủy ban kiểm tra được thành lập đến cấp quận ủy, huyện ủy và tương đương. Do đặc điểm lịch sử, lúc đó ở miền Bắc (từ Vĩnh Linh trở ra), UBKT mới được thành lập đến cấp quận, huyện và tương đương ở 31 tỉnh, thành phố và 7 đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Tiếp theo đó, trước sự phát triển và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 14/8/1969 tại tỉnh Tây Ninh, Trung ương cục miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam. Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam gồm 3 đồng chí: Mai Văn Đáng (tức Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng Ban; đồng chí Hai Mai, Phó Ban Tổ chức Trung ương Cục và đồng chí Nguyễn Văn Trọng (tức Ba Trọng) làm ủy viên. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam hợp nhất vào Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tại Khu V, tháng 3/1970, Hội nghị lần thứ 10 Khu ủy Khu V ra Quyết nghị thành lập ban kiểm tra cấp khu và cấp tỉnh.
Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), Điều lệ Đảng quy định đảng ủy cơ sở được cử UBKT. Như vậy, từ Đại hội V của Đảng, UBKT được thành lập thành một hệ thống hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở như hiện nay. Từ ngày thành lập đến nay, qua mỗi nhiệm kỳ; nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT được Đại hội toàn quốc của Đảng thảo luận, bổ sung và được chính thức ghi vào Điều lệ Đảng. Cùng với đó, UBKT các cấp thực hiện giải quyết đơn thư tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, xử lý và giúp cấp ủy xử lý kỷ luật trong Đảng; kiểm tra tài chính đảng... Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho UBKT từ cấp huyện ủy, quận ủy và tương đương trở lên; quy định cơ quan UBKT cấp trên cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc, có thêm nhiệm vụ chỉ đạo UBKT cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra. Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám sát cho UBKT các cấp. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm Đảng ta đã ra Nghị quyết tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đến Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, UBKT cấp cơ sở có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên.
Bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, công tác kiểm tra từng bước được nâng cao về chất lượng. Thông qua việc kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên để giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng và củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Công tác kiểm tra không chỉ phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; đưa ra khỏi tổ chức đảng những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất mà còn góp phần phát hiện, biểu dương những tập thể và cá nhân tiên tiến, xuất sắc. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, không có vùng cấm và được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng.
Phát huy truyền thống, nâng cao bản lĩnh
Đối với Ninh Thuận, sau khi được tái lập tỉnh (tháng 4/1992), cùng với việc thành lập Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định chuẩn y Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy lâm thời. Qua 32 năm được thành lập và trưởng thành, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp được bổ sung, kiện toàn về bộ máy, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Đến nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, UBKT đảng ủy cơ sở có 189 đơn vị, với 590 cán bộ làm công tác kiểm tra, chiếm 2,66%/tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh; nhân sự ủy ban kiểm tra các cấp cơ bản bảo đảm số lượng theo quy định.
Đ/c Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự Hội nghị về công tác kiểm tra, giám sát ở điểm cầu tỉnh Ninh Thuận
Ủy ban kiểm tra các cấp đã triển khai, thực hiện toàn diện các nội dung công tác, hoàn thành khối lượng công việc lớn; chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao, trong đó có nhiều vụ việc khó, mới, phức tạp. Cấp uỷ và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai cơ bản hoàn thành theo tiến độ Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 của cấp mình đề ra. Trong 09 tháng đầu năm 2024, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 359 tổ chức đảng và 169 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 02 đảng viên; giám sát theo chuyên đề 298 tổ chức đảng và 170 đảng viên; cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 04 tổ chức đảng và 45 đảng viên. UBKT các cấp đã tổ chức kiểm tra 02 tổ chức đảng và 15 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 138 tổ chức đảng; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 83 tổ chức đảng; kiểm tra tài chính đảng đối với 168 tổ chức đảng; giám sát 49 tổ chức đảng và 44 đảng viên; tiến hành kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 95 đảng viên (cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy các cấp quản lý, trong đó UBKT Tỉnh ủy đã kết luận 22 đảng viên); UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 27 đảng viên. Kịp thời xử lý, phân loại các đơn thư tố cáo tổ chức đảng và đảng viên phát sinh, không để xảy ra tình trạng tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Có thể nói trong 9 tháng qua, cấp uỷ và UBKT các cấp trong tỉnh đã thực hiện cơ bản tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở các quy định của Đảng và tình hình thực tế, uỷ ban kiểm tra các cấp đã đề xuất, tham mưu cho cấp uỷ các cấp xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó cả cán bộ đương chức, nghỉ hưu, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý”; góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; góp phần đáng kể trong công tác xây dựng đảng, phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh tại địa phương. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã giúp các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hơn công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; đồng thời, phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong lãnh đạo, quản lý để đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản có liên quan cho phù hợp. Cũng qua kiểm tra, giám sát, nhận thức của các tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên; nhiều tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát đã cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận vi phạm, khuyết điểm, chủ động khắc phục kịp thời hậu quả gây ra. Đồng thời, qua kiểm tra, giám sát, Ngành đã phát hiện những vấn đề còn bất cập, không phù hợp trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Đóng góp vào truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm tra Đảng, 32 năm qua Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao. Phát huy kết quả đạt được và với truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng; trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật theo quy định của Đảng và làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy cấp mình. Với quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, giám sát, chúng ta tin tưởng rằng Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh Ninh Thuận sẽ có những bước đổi mới, hoạt động nền nếp, đạt chất lượng và hiệu quả, vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà đã đề ra.
Chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm tra Đảng là công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, giúp các cấp ủy Đảng tổ chức thành công Đại hội, đây là nhiệm vụ vừa khó khăn và vừa phức tạp; nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra tỉnh nhà sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để tiếp tục vun đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra là "Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật".
Tác giả: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy