Sign In

Ý nghĩa lịch sử “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Ninh Thuận

19:43 19/12/2023
Vào 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, tiếng súng hiệu lệnh mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc bùng nổ. Đến sáng ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động viên mọi tầng lớp Nhân dân đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta nói chung và quân dân Ninh Thuận nói riêng đã đoàn kết đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang. Ra đời cách đây 77 năm, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã minh chứng một cách hùng hồn về những giá trị thời đại, ý nghĩa to lớn và bài học cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Kết tinh của truyền thống anh hùng, bất khuất

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Người được thể hiện với nội dung rất ngắn gọn, súc tích, chỉ có hơn 200 chữ nhưng đã vạch trần được dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng được sống trong hoà bình của dân tộc Việt Nam: “Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Lời kêu gọi được đưa ra đúng lúc, vừa thể hiện được quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và cách mạng, vừa kết tinh truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng, bất khuất của dân tộc: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân”, “vì Nhân dân mà chiến đấu”. Đó là sự kết tinh truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng, bất khuất của dân tộc “lấy dân làm gốc”, “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

  Nhân tố có tính chất quyết định là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc đúng lúc và xác định được từ đầu những nội dung cơ bản về quan điểm, đường lối kháng chiến là chiến tranh nhân dân.

Lời hịch cứu quốc

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hịch cứu quốc, là tiếng gọi của non sông đất nước, động thấu trái tim và khối óc của mọi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất, động viên cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí sẵn có, với một ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội (ảnh tư liệu)

Trong những giờ phút Tổ quốc lâm nguy, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch của non sông cổ vũ tinh thần yêu nước quật cường của cả dân tộc ta đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược: “Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ”.

Lời của Người được phát đi trong toàn quốc, mỗi người con đất Việt dù tôn giáo, thành phần dân tộc nào, nhận thức có khác nhau, thì “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Đó là tinh thần đoàn kết toàn dân, cả dân tộc đứng lên triệu người như một với ý thức đoàn kết là sức mạnh.

Ngay sau khi Thường vụ Trung ương Đảng phát động kháng chiến trong cả nước, 20 giờ 03 phút, đèn điện toàn thành phố Hà Nội tắt, đó là tín hiệu tiến công. Cũng trong đêm, quân và dân các thành phố, thị xã Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng... đồng loạt tiến công địch. Ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, quân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không để cho thực dân Pháp đưa lực lượng và tài sản chiếm được ở phía Nam ra đánh ở Trung bộ, Bắc bộ.

Bản cương lĩnh kháng chiến

Trong 2 ngày 18 và 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại Vạn Phúc, Hà Đông dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng. Đây là một quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, chúng ta đã phát động các tầng lớp Nhân dân nổi dậy đánh giặc bằng nhiều phương pháp, với mọi thứ vũ khí có trong tay: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là bản cương lĩnh kháng chiến mang tính khái quát cao, chứa đựng tư tưởng, quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lâu dài, tự lực cánh sinh và nhất định thắng lợi. Quan điểm, đường lối kháng chiến trong Lời kêu gọi đã ngấm vào máu thịt mỗi người dân, những khẩu hiệu kháng chiến đã trở thành hành động chiến đấu của Nhân dân và lực lượng vũ trang trên các mặt trận.

Điểm xuất phát cơ bản cho mọi thắng lợi

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là điểm xuất phát cơ bản cho mọi thắng lợi về sau của cuộc kháng chiến. Thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong năm đầu kháng chiến là chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp; tiếp đó là thắng lợi chiến dịch biên giới 1950 và trong chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tạo điều kiện thuận lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương; miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.

Bộ đội ta từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954 (ảnh tư liệu)

Trong thời kỳ 1954-1975, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc. Quân dân ta đã đánh bại các chiến lược của chủ nghĩa thực dân kiểu mới điển hình là chiến lược chiến tranh một phía (1954-1960); chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961-1964); chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968); Việt Nam hoá chiến tranh (1969-1975), đỉnh cao cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Ninh Thuận

Ninh Thuận, một tỉnh nằm ở cực Nam Trung bộ vốn có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, bất khuất. Là một trong những địa phương có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi nhất ở cực Nam Trung bộ: Là tỉnh có Chi bộ Đảng Tân Việt và Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời sớm (4/1930); trong Cách mạng Tháng Tám 1945, là địa phương giành chính quyền sớm thứ 3 so với các tỉnh phía Nam (21/8/1945).

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mệnh lệnh của Khu VI về thực hiện chủ trương Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Ninh Thuận đã đứng lên chống lại sự chiếm đóng của thực dân Pháp ở Phan Rang và các địa phương trong tỉnh. Ngày 28/01/1946, quân Pháp từ Trại Mát theo đường 11 đánh chiếm Phan Rang - Tháp Chàm. Trước tình hình đó, Việt Minh tỉnh được chuyển về Vạn Phước; Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh chuyển về Bình Chánh để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài.

Cùng với các địa phương cả nước, quân dân Ninh Thuận liên tiếp tiến công địch trên các mặt trận, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 81, 82 tổ chức nhiều trận đánh trên đường số 1, đường xe lửa, đường số 11 (nay là Quốc lộ 27) và đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt. Quân dân Ninh Thuận tổ chức tập kích, quấy rối các vị trí địch ở Đề pô xe lửa Tháp Chàm, Hoà Trinh, Đồng Mé...

Thực hiện sự chỉ đạo của Liên khu, Ban Cán sự cực Nam, sau khi xem xét khả năng và điều kiện của chiến trường, đối với Ninh Thuận dùng lực lượng hiện có cố gắng diệt gọn từ trung đội đến đại đội địch, đánh một số trận để phối hợp cùng chiến trường cả nước phân tán một bộ phận lực lượng địch. Với lực lượng quân sự ít, trang bị vũ khí hạn chế, quân dân Ninh Thuận tổ chức tiến công địch trên các mặt trận quân sự, chính trị và binh vận. Trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp, quân dân Ninh Thuận đã đánh 35 trận, diệt 8 cứ điểm, một tiểu khu, 9 tháp canh, diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch, làm tan rã 1500 lính bảo vệ hương, thu 400 súng các loại. Thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, nhiều vùng tạm chiếm được giải phóng. Góp phần làm nên thắng lợi chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 trong toàn quốc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

77 năm đã đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2023), chúng ta có dịp nhìn lại một cách đầy đủ và chính xác hơn nhiều vấn đề chủ yếu. Trong đó, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện vẫn còn nguyên giá trị; Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, bất khuất và lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta; là cương lĩnh về khát vọng hòa, nhằm tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả: Lê Duy Hoàn

Tag:

File đính kèm