Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã quan tâm triển khai thực hiện. Nội dung công khai để Nhân dân biết, Nhân dân bàn và quyết định, tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, Nhân dân kiểm tra, giám sát được các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức phù hợp. Việc thực hiện dân chủ gắn với cải cách hành chính, đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm thực hiện. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực.
Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã triển khai thực hiện quy chế dân chủ gắn với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt việc công khai cho cán bộ, công chức, viên chức biết và tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; công tác tuyển dụng, nâng lương, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá phân loại, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức. Vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị đã được nâng cao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo đều tuân thủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Các doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn tổ chức triển khai Nghị định số 145/NĐ- CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một số doanh nghiệp đã lồng ghép tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể trong Hội nghị người lao động để giải quyết những kiến nghị của người lao động, góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa doanh nghiệp và tổ chức công đoàn. Các tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp đã phát huy vai trò trong phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tại doanh nghiệp, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh đã cùng chia sẻ, làm rõ thêm những kết quả đạt được trong năm qua; đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2024.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh nhấn mạnh: năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng chí đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tham mưu thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc và nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, chuyển đổi số; sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tốt văn hóa công sở, đổi mới tác phong làm việc theo hướng dân chủ và tôn trọng Nhân dân; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu nại của Nhân dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.