Sign In

Làm giàu trên quê hương

00:00 28/11/2024
Nhiều năm qua, mô hình trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, trồng rừng, nuôi thủy sản của cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn, sinh năm 1957 ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, là điểm sáng được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến học tập và làm theo.

Làm giàu trên quê hươngMô hình trang trại tổng hợp của cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu trên quê hương

Từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, tháng 8/1982, ông xuất ngũ về địa phương. Khi đó, nguồn thu của gia đình vẫn chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1991, được Nhà nước cho thuê hơn 30ha đất đồi cằn cỗi ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, gia đình ông mạnh dạn trồng keo, chè. Năm 2007, qua phương tiện thông tin đại chúng nói về lợi nhuận của cây thanh long ruột đỏ, ông mua giống thanh long ruột đỏ Đài Loan về trồng 200 trụ, tuy nhiên, cây phát triển chậm, quả bé và rụng nhiều nên ngay năm đầu tiên đã lỗ hơn 100 triệu đồng.

Không nản chí, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, ông tìm đến Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) để xin được tư vấn, học cách chọn giống, trồng và chăm sóc thanh long phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Ông Sơn chia sẻ: "Sau khi được hỗ trợ về nghiên cứu chất đất, địa hình, khí hậu địa phương và sự tư vấn, hướng dẫn từ các cán bộ của Viện, tôi quyết định chọn giống thanh long ruột đỏ Long Định 1. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, cộng với giống tốt phù hợp với thổ nhưỡng nên cây thanh long sinh trưởng phát triển tốt, quả sai và chất lượng nên tôi nhanh chóng mở rộng mô hình với 3.000 trụ cây trên diện tích 3ha, sản phẩm thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Với quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương, ông tiếp tục kiên trì khắc phục khó khăn, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, mua thêm đất để từng bước quy hoạch, xây dựng lại mô hình sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn. Sau khi được huyện, xã tạo điều kiện cho đi tham quan học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài nước, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích chè cũ kém năng suất sang mở rộng trồng thanh long ruột đỏ và các loại cây ăn quả khác như hồng Hạc Trì, bưởi Diễn, mít... kết hợp trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Sau nhiều năm trồng cây ăn quả, ông Sơn rút ra kinh nghiệm quý báu để xây dựng mô hình theo hướng nông nghiệp tuần hoàn khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tận dụng cỏ ủ với phân chuồng, kết hợp với chế phẩm hữu cơ để bón cho cây giúp đất tơi xốp, cây sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh.

BOX:

Hiện trang trại tổng hợp của gia đình ông đã được quy hoạch gọn gàng, khoa học theo từng khu về chăn nuôi, trồng cây ăn quả, rừng sản xuất, nuôi thủy sản với tổng diện tích gần 40ha, gồm hơn 20ha cây nguyên liệu giấy, gần 5ha cây ăn quả, hơn 2ha mặt nước nuôi thủy sản, thường xuyên duy trì nuôi hơn 10.000 con gà thương phẩm, 120 đàn ong mật... Đồng thời, ông trồng thêm hơn 120 cây dổi lấy hạt; dần chuyển đổi diện tích cây keo sang trồng cây mỡ... Mỗi năm, trang trại của gia đình ông xuất bán ra thị trường 35 tấn thanh long với giá bán từ 18.000 - 25.000 đồng/kg quả, 5 tấn hồng không hạt, 4.000 quả bưởi Diễn, 3 tạ cá... Trừ chi phí, mô hình cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 12 lao động với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Chính từ những nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất kinh doanh, ông Sơn đã trở trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm, làm theo thành công. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động và xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các quỹ vì người nghèo, khuyến học, hỗ trợ nông dân...

Ngọc Lam

Tag:

File đính kèm