Toàn cảnh buổi làm việc
Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ hiện có 10 đơn vị nghiên cứu với 186 cán bộ, trong đó có 14 tiến sỹ, 77 thạc sỹ, 50 đại học. Với diện tích đất sử dụng trên 200 ha, ngoài hai phòng thí nghiệm và hai xưởng chế biến chè thực nghiệm, Viện hiện đang lưu giữ tập đoàn quỹ gen trên 200 giống chè, 273 giống cây ăn quả (của 13 loài), 300 giống lúa và một số mẫu giống cây trồng lâm nghiệp khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc
Giai đoạn 2018-2023, Viện chủ trì triển khai 31 nhiệm vụ khoa học (đề tài, dự án, hợp đồng tư vấn) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (chiếm 24,8% nhiệm vụ của Viện), với tổng kinh phí là 79 tỷ đồng, gồm hai nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 nhiệm vụ cấp Bộ, 9 nhiệm vụ cấp tỉnh; góp phần xây dựng các mô hình chè chất lượng cao trên địa bàn các huyện: Thanh Ba, Thanh Sơn, Tân Sơn, Phù Ninh, TX Phú Thọ...
Tiến sỹ Lưu Ngọc Quyến - Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc báo cáo kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của Viện với đoàn công tác
Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách tỉnh Phú Thọ, Viện đã nghiên cứu, xây dựng chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chế biến, thử nghiệm các giống chè mới cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu hoàn thiện quy trình chế biến một số loại rau thành phẩm; triển khai mô hình trồng cây sơn ghép, thâm canh vải PH40, xây dựng nhãn hiệu một số nông sản địa phương như chuối phấn vàng Thanh Sơn, giống lúa nếp Quạ đen...
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và đoàn công tác thăm mô hình trồng chè hữu cơ của HTX sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh
Thời gian tới, Viện tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ khoa học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tập trung vào nghiên cứu xây dựng mô hình công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu chè Phú Thọ; tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc sâu hơn cây đầu dòng bưởi Đoan Hùng, xây dựng mô hình trồng cây lâm nghiệp đa dụng như sơn, trẩu, dổi tại các huyện vùng cao và xây dựng các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP... phục vụ du lịch, trải nghiệm.
Sau khi nghe ý kiến tham mưu, đề xuất của các sở, ngành; giải trình, làm rõ của lãnh đạo Viện, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cơ bản nhất trí đối với những định hướng nhiệm vụ khoa học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ của Viện và các kiến nghị, đề xuất với tỉnh Phú Thọ. Đồng chí nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Phú Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định nông lâm nghiệp vẫn là thế mạnh, trụ cột của nền kinh tế. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh hiện nay và thời gian tới là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, vì vậy đề nghị Viện tham góp cho tỉnh phát triển thế mạnh của mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và đoàn công tác thăm mô hình nghiên cứu khoa học về chè tại Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Để tiếp tục phát huy lợi thế và những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Viện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương xác định cụ thể, thống nhất các nội dung, chương trình phối hợp, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả; trước mắt, quan tâm hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới mà Viện đã nghiên cứu thành công trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành, địa phương phối hợp với Viện xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến sản phẩm đối với các cây trồng chủ lực có lợi thế của tỉnh (chè xanh, bưởi, chuối) tại các địa bàn trọng điểm, vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đảm bảo đồng bộ từ giống, kỹ thuật canh tác, chế biến, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Quan tâm khôi phục, phục tráng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa đối với một số giống đặc sản, đặc trưng của tỉnh như: Chè búp tím trung du, hồng không hạt, lúa nếp Quạ đen, chuối phấn vàng, vải Hùng Long, vải chín sớm PH40...; nghiên cứu, giúp tỉnh phát triển các loại cây lấy gỗ... Đồng chí mong muốn, từ thành công của hoạt động nghiên cứu, Viện đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ngoài Viện; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ngành chè.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và đoàn công tác thăm xưởng chế biến thực nghiệm chè và các sản phẩm chè chế biến của Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Ngoài nhiệm vụ do Nhà nước và Bộ Nông nghiệp &PTNT giao, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đề nghị Viện tăng cường liên kết cùng các doanh nghiệp giúp cho tỉnh phát triển thêm loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái vùng chè, từ đó phát triển Phú Thọ bên cạnh là Trung tâm nghiên cứu, chế biến, bảo quản ngành chè, còn là Trung tâm văn hóa chè của cả nước.
* Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thăm Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh - xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ; thăm một số mô hình nghiên cứu khoa học về chè, cây ăn quả tại Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Đinh Vũ