Công nghiệp Đất Tổ - hành trình làm theo lời Bác
Hạ tầng đi trước mở đường
Theo cuốn Lịch sử Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phú - phát hành năm 1999: Công nghiệp Vĩnh Phú (nói chung), công nghiệp Phú Thọ (nói riêng) chỉ thực sự ra đời khi đất nước thực hiện khôi phục, cải tạo và xây dựng XHCN (năm 1958). Đặc biệt, với việc thành lập nhiều cơ sở kinh tế quốc doanh của Trung ương trên đất Vĩnh Phú, trong đó sớm nhất và quy mô nhất là KCN Việt Trì gồm các nhà máy: Xay xát, Bê tông, Giấy, Điện, Hóa chất, Đường, Mỳ chính, Thuốc trừ sâu... và tiếp đó là các Nhà máy: Supe Phốt phát Lâm Thao, Chè Đào Giã (Thanh Ba)... đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nghiệp địa phương phát triển, đồng thời hình thành các tiểu KCN: Việt Trì, Phú Thọ, Thanh Ba, Hạ Hòa, Thanh Sơn...
Bước sang giai đoạn 1975 - 1985, đất nước thống nhất, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành, Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, ngành Công Thương Phú Thọ cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp đã được sắp xếp lại phù hợp với tình hình mới. Cùng với tập trung phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, vùng nguyên liệu... thúc đẩy công nghiệp phát triển, một số doanh nghiệp đã mở rộng hình thức khoán sản phẩm, gắn lợi ích người lao động với kết quả sản xuất kinh doanh; số xí nghiệp khác thực hiện thí điểm việc bù giá vào lương, xóa bỏ dần bao cấp của Nhà nước, giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ này tăng bình quân 11,5%. Sau khi kết thúc thời kỳ bao cấp chuyển sang thời kỳ đổi mới, sản xuất công nghiệp của tỉnh thực sự chuyển biến tích cực; nhiều chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ sản xuất và phát triển thị trường được thực hiện. Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ.
Sau khi được tái lập tỉnh vào năm 1997, trong chiến lược phát triển KT - XH tỉnh Phú Thọ, công nghiệp tiếp tục được coi là ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực. Cùng với cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ qua các thời kỳ đã đề ra những giải pháp đột phá nhằm thu hút đầu tư, tạo ra nguồn lực để phát triển. Trong đó, đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành công nghiệp - dịch vụ.
Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm và thành công từ việc xây dựng KCN Thụy Vân - KCN tập trung đầu tiên của tỉnh (thành lập năm 1997), để giải quyết bài toán khó khăn ban đầu cho nguồn vốn đầu tư còn eo hẹp, tỉnh Phú Thọ đã huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng KCN làm đòn bẩy phát triển kinh tế.
Nhờ vậy, từ một KCN tập trung là KCN Thụy Vân với diện tích 335ha, đến nay Phú Thọ đã có có 4/7 KCN đi vào hoạt động và đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút được 193 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó 100 dự án có vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký hơn 22.000 tỷ đồng; 93 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký hơn 1,9 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 53.000 lao động; 21 CCN thu hút được 150 dự án đầu tư (87 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 9.400 tỷ đồng; 63 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký gần 755 triệu USD), trong đó có 103 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 16.000 lao động.Sản xuất tai nghe tại Công ty TNHH Innovation Future Việt Nam, KCN Phú Hà, thị xã Phú Thọ.
Trái ngọt từ những định hướng đúng
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hanh- Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: “Thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó xác định tạo mặt bằng sạch là một trong những yếu tố then chốt trong thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số KCN, CCN tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chỉ tính riêng từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã thu hút 478 dự án đầu tư tư nhân (DDI), vốn đăng ký 56.900 tỷ đồng, 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký ước đạt 2.126 triệu USD. Không chỉ tăng về số lượng vốn đầu tư, việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn có sự thay đổi về “chất”. Giai đoạn 2021- 2023, quy mô bình quân một dự án DDI trên 188 tỷ đồng, tăng 27,7 tỷ đồng; quy mô bình quân một dự án FDI gần 60 triệu USD, tăng 50,4 triệu USD so với giai đoạn trước.
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ phấn đấu có 12 KCN với tổng diện tích trên 5.095ha và 28 CCN có diện tích gần 1.470ha. Trong số đó, tỉnh tiếp tục đầu tư, mở rộng 7 KCN gồm: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, Phù Ninh. Hình thành thêm 5 KCN mới gồm: Thanh Ba, Bắc Sơn, Đồng Lương, Đoan Hùng, Võ Miếu.
Các KCN đều được bố trí ở nơi có giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt; được kết nối với nút lên xuống của đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32C và Quốc lộ 2; thông thương với thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng; các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc... Đặc biệt, các KCN của tỉnh đều được xây dựng tập trung gần các đô thị lớn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Một số khu đã chủ động xây dựng, tạo quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng hợp lý, tạo lợi thế cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận như: KCN Phú Hà, KCN Cẩm Khê, KCN Tam Nông, KCN Thụy Vân... Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,... với các lĩnh vực đầu tư như linh kiện điện tử, công nghiệp dệt may, sản xuất bao bì, hạt nhựa, chế biến thực phẩm đã “rót vốn” vào Phú Thọ.
Công ty TNHH Thời trang Raindrop Việt Nam, KCN Cẩm Khê là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất các mặt hàng quần áo thời trang cao cấp phục vụ xuất khẩu. Ông YUXIANG - Giám đốc Công ty chia sẻ: “Trước khi đến Việt Nam, tôi đã từng đi tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường, lao động ở nhiều nước và quyết định dừng chân, đầu tư xây dựng công ty lâu dài ở Việt Nam bởi nhận thấy nơi đây có lực lượng lao động dồi dào, con người Việt Nam thông minh, cần cù, tôi tin rằng qua đào tạo sẽ đáp ứng được yêu cầu sản xuất mặt hàng may mặc cao cấp vốn yêu cầu kỹ thuật tinh xảo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hơn nữa, tỉnh Phú Thọ có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ về đầu tư và tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng nhờ vậy, thời gian qua đã giúp Công ty khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động. Sản phẩm của Công ty đã chinh phục được thị trường của nhiều nước lớn”.
Với việc phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp, năm 2023, ngành công nghiệp của tỉnh mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN, CCN vẫn đạt trên 65.000 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2022, đạt 108% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước 1.500 tỷ đồng, bằng 100% so với thực hiện năm 2022; tạo việc làm cho hơn 56.000 lao động với thu nhập bình quân 7,1 triệu đồng/người/tháng, tiếp tục đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chủ động tạo quỹ đất phát triển công nghiệp, lựa chọn các KCN, CCN có lợi thế, đưa ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước xứng đáng với những điều Bác Hồ hằng mong cách đây 65 năm khi về thăm công trường xây dựng KCN Việt Trì.
Kỳ III: Phát triển và giữ vững vai trò trung tâm công nghiệp của vùng
Nhóm Phóng viên Kinh tế