Chúng ta đều biết, thuật ngữ ngoại giao “Cây tre Việt Nam” đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 với Chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, diễn ra tại Hà Nội, ngày 22/8/2016.
Trong bài phát biểu quan trọng chỉ đạo tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ bài học kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược trong công tác ngoại giao. Tổng Bí thư nhấn mạnh “...Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người..., thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam...”.
Còn tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, diễn ra tại Hà Nội ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm trường phái ngoại giao mang bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Theo đó, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Tiếp tục nhấn mạnh thêm về trường phái “ ngoại giao cây tre”, tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 với Chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, diễn ra tại Hà Nội ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo ngành ngoại giao tiếp tục phát triển nền ngoại giao hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” và coi đây là kim chỉ nam cho phương châm hành động của ngành ngoại giao Việt Nam trước bối cảnh đầy biến động của quốc tế với nhiệm vụ giữ gìn vững chắc chủ quyền Quốc gia, đảm bảo quyền lợi dân tộc.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, đúc kết thực tiễn từ lịch sử, tiếp thu sáng tạo tinh hoa thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết đường lối, sách lược ngoại giao “Cây tre Việt Nam” trong cuốn sách rất quan trọng “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam”. Sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành tháng 11/2023. |
Có thể khẳng định, tất cả các tài liệu, văn bản liên quan đến trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” đều đã thể hiện được tính khoa học, lịch sử, văn hóa... và khẳng định tính tất yếu khách quan trong đường lối, chính sách, chiến lược đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam. Việc dùng cụm từ “Cây tre Việt Nam” là cách nói khái quát, hình tượng, có sự phát triển về tư duy lý luận và đưa ra các giải pháp để phù hợp, thích ứng với xu thế thời đại và nhiệm vụ đòi hỏi từ thực tiễn. Đây cũng chính là sự thể hiện sinh động việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại. Trong chỉ đạo về quan hệ hợp tác với các nước, Đảng và Nhà nước ta cũng đã luôn thể hiện rõ và kiên định lập trường quan điểm, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Việc đảm bảo cho “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” trong ngoại giao chính là tổng hòa các chiến lược, sách lược, giải pháp mang tính khoa học, tư duy biện chứng, thể hiện tính tất yếu khách quan.
Hiểu rõ về ngoại giao “Cây tre Việt Nam” không thể là kiểu tư duy “cắt ngọn”, “chặt khúc” mà cần phải có một tư duy hệ thống, khái quát... Khác với các thế lực thù địch luôn rêu rao nền ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là giải pháp “thức thời” theo kiểu “đu dây”, “hai mặt”, “hai mang”... với luận điệu đả kích, xuyên tạc, thì việc vận dụng nền ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với những phương thức linh hoạt, uyển chuyển, có lý luận căn cứ trên cơ sở khoa học, thực tiễn... sẽ góp phần giữ cho nước vững, dân cường, để đất nước ta tự tin tiến vào tương lai với nền móng là một dân tộc tự chủ, hùng cường, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế thới !
Minh Tự