Sign In

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mãi soi sáng thế hệ Thanh niên Việt Nam

18:11 02/09/2024
Tròn 55 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cũng là 55 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2024). Trước lúc đi xa, Người để lại cho chúng ta bản Di chúc thiêng liêng - một văn kiện lịch sử vô giá được kết tinh từ tâm hồn cao đẹp của một lãnh tụ thiên tài. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mọi việc đối với Đảng với nhân dân, trong đó Bác vẫn dành một phần để nói về thanh niên, điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn”.

Tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với thế hệ thanh niên

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Người dạy rằng: "Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Điều này cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với vận mệnh của cả dân tộc.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ thanh niên trí thức mới, đủ năng lực đảm đương và gánh vác những nhiệm vụ mới của đất nước. Khi mới bắt đầu truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Bác đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên.

Khoảng thời gian từ năm 1924 đến năm 1927 ở Quảng Châu, Người đã sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên, Người tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại Quảng Châu, trước hết là tổ chức Tâm Tâm xã. Sau đó, Người mở rộng địa bàn hoạt động; khẩn trương, chủ động và cẩn trọng tiến hành xây dựng tổ chức cách mạng theo từng bước; lập ra nhóm bí mật làm hạt nhân và tiến tới thành lập một tổ chức có tính chất quần chúng rộng để tập hợp những thanh niên yêu nước ở trong và ngoài nước. Tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những trái ngọt đầu mùa của chủ trương “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Người.

Người dạy thanh niên phải sống có đạo đức, phải “luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng”, vì đạo đức là “điều chủ chốt nhất”, “là cái gốc”, “là nền tảng để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang”. “Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức, phẩm chất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi ở thanh niên là trung, dũng, cần, kiệm, khiêm tốn; là những điều cụ thể hằng ngày mà mỗi người có thể tự phấn đấu làm được.

Với cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuy công việc luôn bận rộn, thế nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian và quan tâm đặc biệt: viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên Việt Nam nhằm khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã đạt được, đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra những thiếu sót còn tồn tại. Ngày 24/3/1961, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác đã nhắc nhở thanh niên “cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, phải thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”. Ngày 25/3/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào, vui sướng trước những đóng góp to lớn của thanh niên với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người “thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”.

Có thể nói, Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” thể hiện sự sâu sắc trong tầm nhìn của Bác. Tư tưởng này, Bác không chỉ thấy trước mắt mà còn thấy cả tương lai. Theo Bác, thanh niên chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của các thế hệ đi trước đã tích lũy được trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc nên bồi dưỡng, giáo dục cho thanh niên là một việc làm rất cần thiết.

Bài học ý nghĩa từ tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc giáo dục thanh niên Việt Nam giai đoạn hiện nay

Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng đúng đắn, sâu sắc của Bác, nhiều thế hệ thanh niên đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn vào sự phát triển của dân tộc. Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều hình thức ghi nhận và tôn vinh những thanh niên, sinh viên và học sinh tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đoàn viên, thanh niên đã tích cực tham gia các cuộc vận động, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo chú trọng về việc đào tạo lý luận chính trị,  một số đoàn viên, thanh niên đã tự mình nâng cao trình độ lý luận chính trị bằng việc tham gia học tập đại học và sau đại học các chuyên ngành lý luận chính trị. Đoàn viên, thanh niên đã tích cực tham gia các buổi tọa đàm, sinh hoạt chính trị, hội thảo khoa học về các vấn đề liên quan đến chính trị và lý luận chính trị bằng việc viết bài tham luận, phát biểu ý kiến trong các buổi sinh hoạt chính trị. Tham gia vận hành và phát triển nội dung của các thông tin điện tử, trang mạng xã hội nhằm tạo không gian mạng xanh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, “do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của lối sống thực dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý đã dẫn đến những tiêu cực trong xã hội ngày càng phổ biến. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức.

Để từng bước khắc phục những hạn chế trên, đồng thời phát huy hiệu quả của công tác giáo dục thanh niên trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện tốt những giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của Trung ương Đoàn  về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tăng cường lãnh đạo việc thực hiện công tác đào tào như phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc ban hành các quy định, kế hoạch đào tạo - bồi dưỡng lý luận chính trị, đưa ra những chế độ phù hợp giữa việc học lý luận chính trị với hoàn thành công tác tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời có những chính sách tốt nhằm khuyến khích đội ngũcán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị nhất là cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên - những đội ngũ kế cận của Đảng ta. Trung ương Đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho thanh thiếu niên thấy được tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị nhất là trong giai đoạn hiện nay thông qua các hình thức, công cụ giáo dục mới tạo hứng thú, tích cực như Internet, mạng xã hội... Hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn cần tiếp tục chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng báo, sách, ấn phẩm, đảm bảo là công cụ giáo dục sắc bén, là phương tiện đắc lực góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, nâng cao ý thức học tập lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên.

Hai là, đối với các cơ sở đào tạo lý luận chính trị. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên chủ yếu là các trường Đại học, cao đẳng, Học viện Chính trị, trường chính trị các tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thị… Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng này cần khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ, tích cực đổi mới chương trình đào tạo lý luận chính trị vừa kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Trong quản lý học viên, cần thực hiện đúng và nghiêm túc theo quy chế đào tạo, đồng thời cần có những kế hoạch cụ thể, thiết thực trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện tốt nề nếp, kỷ cương, tinh thần, thái độ học tập trên lớp, trên thư viện và đi nghiên cứu thực tiễn, viết bài thu hoạch thực tế.

Ba là, đối với đoàn viên, thanh niên. Mỗi đoàn viên, thanh niên cần học tập sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc học: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Qua đó, cần xác định rõ mục đích của việc học tập lý luận chính trị là để có tri thức, có nền tảng lý luận vững chắc nhằm trang bị cho mình một thế giới quan, một phương pháp luận khoa học để hoạt động thực tiễn có hiệu quả. Vì vậy, đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên học tập, trau đồi phẩm chất chính trị, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc hàng ngày, đồng thời cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong học tập lý luận chính trị; chủ động tổ chức các phong trào học tập, các cuộc thi học thuật tìm hiểu về  lý luận chính trị để thông qua đó tạo môi trường trao đổi học tập lẫn nhau.

Bốn là, Sử dụng có hiệu quả công cụ internet, mạng xã hội và các ứng dụng các nền tảng trên không gian mạng.Tổ chức Đoàn các cấp triển khai đồng bộ các trang Fanpage và thành lập các trang thông tin điện tử như: facebook, blog, youtube đưa những thông tin bổ ích, gương người tốt việc tốt nhằm định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi thanh niên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, xung kích; luôn đi đầu trong học tập để lập thân, lập nghiệp; lao động, sản xuất để khẳng định bản thân; nhất là trong các hoạt động xã hội như tình nguyện, về nguồn, đền ơn đáp nghĩa… Với phương châm “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần cách mạng, mỗi thanh niên cần tiên phong trong mọi hoạt động vì cộng đồng;  không ngại khó, ngại khổ; không trốn tránh trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Việc học tập lý luận chính trị là một nhiệm vụ không thể thiếu của mỗi cán bộ, đảng viên; đặc biệt là đoàn viên, thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Học tập lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì nó giúp cho mỗi đoàn viên, thanh niên không chỉ có tri thức, có nền tảng lý luận chính trị vững chắc mà còn có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng “tự miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch và đồng thời góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ thế hệ trẻ: “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. “Hãy luôn xung kích tiến lên trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân cả nước đối với thế hệ trẻ”.

55 năm trôi qua, những điều Người tâm huyết, những chỉ dẫn kịp thời của Người trong Di chúc vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Quy định số 144 -QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị 35 - CT/TW về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Lương Công Thảo - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

Tag:

File đính kèm