Sign In

Phụ nữ huyện Lệ Thủy giúp nhau phát triển kinh tế

16:01 25/12/2023
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” được Hội thường xuyên quan tâm triển khai rộng khắp, giúp chị em phát huy nội lực, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

Tổng số hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Lệ Thủy đến nay có 30.926 chị/46.938 phụ nữ, đạt 65,8%; lực lượng hội viên nòng cốt có 6.232 chị, đạt tỷ lệ 19,35%. Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và chương trình công tác của Hội, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, tranh thủ các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, tạo ra những điểm nhấn trong phong trào, hoạt động Hội, từ đó khơi dậy được sự hưởng ứng tích cực và tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ, đóng góp tích cực vào những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện.

Nổi bật như: Tập trung nắm tình hình, tư tưởng hội viên phụ nữ, tích cực vận động hội viên chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước; tham gia các hoạt động hưởng ứng các ngày kỷ niệm lớn của huyện, của tỉnh; thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng quỹ tình thương, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình, phần việc, mô hình hoạt động hiệu quả; chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà” được lan tỏa rộng; mô hình “Hàng rào xanh nông thôn mới” được cán bộ, hội viên phụ nữ và bà con nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, ngày càng nhân rộng khắp trên các địa bàn huyện Lệ Thủy,...

Hội LHPN huyện đã hướng dẫn cơ sở rà soát các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và đăng ký danh sách giúp thoát nghèo ngay từ đầu năm. Trong năm 2022, có 52 hộ phụ nữ nghèo được Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đăng ký giúp đỡ; có 1.944 hộ nghèo được giúp đỡ, trong đó có 920 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ (100%). Kết quả cuối năm 2022, có 622 hộ thoát nghèo, trong đó có 52 hộ do phụ nữ làm chủ hộ, đạt tỷ lệ 8,3%.

Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, mô hình tiết kiệm, giúp đỡ hộ nghèo, hỗ trợ vốn vay,… được Hội thường xuyên quan tâm, nhằm giúp chị em phát huy nội lực, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Các cấp Hội tích cực khai thác các nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh. Năm 2022, Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho 375 cán bộ Hội các xã, thị trấn; kiểm tra, giám sát về hoạt động nhận ủy thác cho vay và công tác quản lý (113 tổ, 565 hộ/26 xã). Các thành viên vay vốn đều tham gia tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm giúp nhau phát triển, huy động vốn trong chị em. Cũng trong năm 2022, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã phát triển mới 52 mô hình kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, có mô hình trang trại tổng hợp thu hút 7-10 lao động. Đến nay, toàn huyện có 1.706 mô hình phát triển kinh tế, trong đó 383 mô hình kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nữ.

Xác định việc đào tạo nghề, tìm việc làm cho hội viên phụ nữ là vấn đề chính đáng, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh xảy ra bất thường, Hội đã khảo sát nhu cầu học nghề của chị em, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế. Các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật đã khuyến khích phụ nữ nông thôn tham gia, giúp tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Song song với đó, Hội LHPN huyện tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân - phụ nữ tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức khai giảng 12 lớp đào tạo nghề; 05 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Trong đó, có 07 lớp nghề phi nông nghiệp (kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, du lịch cộng đồng, nghiệp vụ bán hàng-maketting, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật pha chế đồ uống); 04 lớp nông nghiệp (nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, nuôi ong, trồng rau an toàn, dạy nấu ăn). Ngoài ra, Hội LHPN huyện tổ chức lớp tập huấn khởi sự kinh doanh và xây dựng nông thôn mới cho 85 chị, thông qua đó giúp cho chị em phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng để khởi nghiệp kinh doanh.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, những năm qua, hội viên phụ nữ trong huyện đã tích cực học tập, tiếp thu, chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất. Các cấp Hội tiếp tục duy trì hoạt động tiết kiệm làm theo lời Bác với nhiều hình thức như nuôi heo đất, vận động hội viên, phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày để chung tay góp sức giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế... Đến nay, toàn huyện có 4.152 nhóm phụ nữ tiết kiệm, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thu hút trên 98% hội viên phụ nữ tham gia, tiết kiệm được trên 68,2 tỷ đồng (năm 2022 tăng 4,3 tỷ đồng), giúp cho 74.521 lượt hội viên phụ nữ gặp khó khăn, hoạn nạn có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và ổn định cuộc sống. Tiêu biểu là các mô hình tiết kiệm vốn vay thôn, bản ở các xã Sen Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy đã thành lập được 74 nhóm với 1.465 thành viên, đến nay đã tiết kiệm được 6,5 tỷ đồng, hiện đang vay quay vòng và nguồn tiết kiệm từ quỹ xã hội 87 triệu đồng.

Nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện mở rộng sản xuất kinh doanh
nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Công tác ủy thác vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được Hội LHPN huyện thực hiện kiểm tra thường xuyên tại các tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đầu năm 2023 đến nay đã kiểm tra 25 xã, thị trấn, 60 tổ tiết kiệm và vay vốn, 300 hộ vay vốn. Trong quá trình kiểm tra, Hội LHPN huyện đã tiến hành lồng ghép tuyên truyền đến các thành viên vay vốn về các nội dung thực hiện ủy thác, vận động các thành viên tham gia tiết kiệm, nắm tình hình động viên các trường hợp nợ quá hạn… Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực khai thác các nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các cấp Hội trên địa bàn huyện thường xuyên triển khai thực hiện các hoạt động góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa rộng khắp, như: Mô hình “Hàng rào xanh nông thôn mới”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình 5 có 3 sạch, đoạn đường phụ nữ tự quản, mô hình đường hoa từ nhựa tái chế... tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Những hoạt động giúp phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của các cấp Hội Phụ nữ huyện Lệ Thủy không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ mà còn thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

H.T.K

 

 

Tag:

File đính kèm