Sign In

Lan tỏa phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

16:01 26/12/2023
Hội Nông dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hiện có 08 chi hội, 18 tổ hội, phân hội; toàn xã có trên 1200 hội viên. Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã, cùng sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ xã, đến thôn, nông dân trong toàn xã đã tích cực triển khai Phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Thông qua phong trào, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ gia đình có hiệu quả kinh tế cao.

Dựa vào lợi thế của vùng sông nước, nơi giao thoa gữa hai dòng Kiến Giang và Long Đại để hợp nhất tạo thành dòng Nhật Lệ đổ ra biển, Tổ hội cá lồng Phú Ninh được thành lập. Từ những hộ nuôi đầu tiên, đến nay, đã có 22 hộ dân nuôi với hơn 60 lồng cá ở ngã ba sông này, nuôi chủ yếu các loại cá đặc sản như chẽm, cá dìa…. Thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình khoảng 300 triệu đồng/năm. Sản lượng cá tăng trưởng tốt, song đầu ra đang gặp khó do lượng tiêu thụ chưa được ổn định. Từ thực tế đó, chính quyền xã Duy Ninh đã có kế hoạch hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu cá lồng Duy Ninh và đưa vào đề án sản phẩm OCOP, để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận gần hơn với khách hàng, tạo đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp Trầm Hương Trung Quán, xã Duy Ninh tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm
tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Ở Duy Ninh, nghề sản xuất và chế biến trầm hương đã có từ nhiều năm về trước nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, vì đa số các hộ làm trầm vẫn thực hiện theo kiểu tự phát, tự tìm kiếm thị trường. Để nghề sản xuất và chế biến trầm hương phát triển bền vững, tháng 6/2023, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp (THNN) sản xuất, chế biến trầm hương Trung Quán với 15 thành viên tham gia, tạo việc cho hơn 400 lao động làm thường xuyên và bán thời gian. Việc thành lập THNN không chỉ tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất mà còn góp phần phát triển nghề, xây dựng và quảng bá thương hiệu trầm hương Trung Quán đến với thị trường. Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong nước mà còn xuất ra thị trường các nước, như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… đem lại doanh thu ổn định từ 4-5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Được biết, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ THNN trầm hương Trung Quán về nhãn mác, trích xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP trầm hương Trung Quán.

Đến nay, Duy Ninh được đánh giá là địa phương duy trì có hiệu quả mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung tuy đầu tư vốn lớn, nhưng dễ nuôi, vì hươu có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, chuồng trại đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn cho hươu khá phong phú, dễ tìm kiếm và có thể tận dụng… Hươu sao trưởng thành cho thu hoạch khoảng 1 kg nhung/con/năm, với giá trung bình từ 12-13 triệu đồng/kg. Hiện nay, toàn xã có 2 hộ nuôi với tổng đàn là 7 con hươu sao, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/hộ/1 năm.

Mô hình sản xuất - chế biến từ sen của hội viên Lê Duy Trinh - Tả Phan, xã Duy Ninh

Bên cạnh đó, trên địa bàn xã xuất hiện thêm nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất - chế biến từ sen của hội viên Lê Duy Trinh - Tả Phan; mô hình nuôi heo sữa của hội viên Nguyễn Văn Bắc - Hiển Lộc; mô hình trầm nhang nam lá - Hiển Vinh; Trang trại nuôi trồng thủy sản của hội viên Nguyễn Văn Thao - Hiển Vinh; hội viên Nguyễn Mậu Khẻn với mô hình trang trại tổng hợp; hội viên Trần Văn Tuấn - Tả Phan với tổ hợp máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; mô hình nuôi chồn hương của hội viên Hoàng Văn Minh - Phú Ninh; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Hội viên Trần Văn Song - Trung Quán…

Để có những thành quả trên, ngay từ đầu Hội nông dân xã Duy Ninh đã thường xuyên quan tâm đến công tác dân vận, như: Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để vận động thành lập các tổ hội, phát triển các mô hình dựa trên cơ sở thống nhất, đồng thuận của hội viên… Kịp thời cử hội viên tham gia các cuộc tập huấn, học nghề, tham quan các mô hình nhằm nâng cao kiến thức…. Hội Nông dân xã thường xuyên giới thiệu các sản phẩm đi trưng bày nhằm quảng bá thương hiệu đến các thị trường tiềm năng trong và ngoài huyện. Hy vọng rằng, việc đổi mới và nâng cao chất lượng các mô hình sản xuất hiệu quả của nông dân xã Duy Ninh sẽ góp phần đưa bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của bà con nơi đây ngày càng khởi sắc.

Hồng Vân 

 

 

Tag:

File đính kèm