Biến thách thức thành cơ hội
Xã Tân Hóa nằm ở vùng rẻo cao của huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, được bao bọc với nhiều dãy núi đá cao trùng điệp. Toàn xã có 06 thôn với 715 hộ gia đình, có 3.364 nhân khẩu. Đảng bộ xã Tân Hóa có 11 chi bộ trực thuộc với 269 đảng viên. Sinh sống ở một địa bàn có nét đặc thù, cho nên thu nhập và đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, các đồng chí lãnh đạo xã Tân Hóa đã kiên trì thuyết phục, vận động người dân trong xã tìm ra các giải pháp để biến thách thức thành cơ hội, từng bước bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ những cách làm hết sức “lạ”, nhưng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp do tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, lại là địa bàn thường xuyên bị ngập lũ, nhưng nhờ được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt của các sở, ban, ngành trong tỉnh và các cấp, các ngành của huyện Minh Hóa, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân trên địa bàn, đến nay xã Tân Hóa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Sử dụng các căn nhà nổi để làm homestay phục vụ khách du lịch
Trong đó, việc làm đầu tiên mà Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tân Hóa đã tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp từ nhiều nơi có đặc điểm, điều kiện tự nhiên tương tự như ở quê mình, để từ đó vận động các hộ gia đình đầu tư lắp ghép các căn nhà nổi để “thích ứng với lũ”. Từ một vài hộ thử nghiệm lúc đầu, đến nay số lượng các căn nhà nổi trên toàn xã đã tăng lên trên 600 căn, giúp cho người dân nơi đây từng bước thích nghi với các trận lụt, từ đó có thêm điều kiện để đồng sức, đồng bắt tay xây dựng nông thôn mới. Từ những căn nhà nổi dùng để chống lũ đó, đến nay được Công ty Oxalis hỗ trợ, có 10 hộ gia đình ở Tân Hóa đang thử nghiệm xây dựng các homestay để phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Việc tiếp theo mà các đồng chí lãnh đạo xã Tân Hóa đã quyết tâm làm được là đã động viên Nhân dân tham gia bảo vệ động Tú Làn, một trong những hang động tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân huyện Minh Hóa, để từ đó tạo cơ hội xây dựng một trong những thương hiệu là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu ở Quảng Bình hiện nay.
Cùng với việc tổ chức khai thác những tiềm năng mà động Tú Làn mang lại, các hoạt động du lịch trải nghiệm ngay cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người dân Tân Hóa cũng đã góp phần tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân Tân Hoá. Từ năm 2014 đến nay, khi Công ty Oxalis được cấp phép khai thác chính thức các tour khám phá động Tú Làn, số lượng khách du lịch tìm đến và lưu trú trên địa bàn xã Tân Hóa ngày càng đông thêm. Trong đó, riêng trong năm 2023, có gần 6.000 khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến với Tân Hóa (riêng khách ngoại quốc đạt gần 3.300 người), tạo thêm việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động trong xã,...
Khởi sắc bộ mặt nông thôn mới
Xác định việc phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân chính là động lực quan trọng nhất để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ những ngày mới bắt đầu xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí theo quy định, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tân Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên Nhân dân thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, đối với sản xuất nông nghiệp, xã Tân Hóa tiếp tục quan tâm đầu tư để phát triển ngành nghề chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, như bò, lợn, gà; chú trọng phát triển rừng keo mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, toàn xã có gần 2.800 con gia súc, trên 14.000 con gia cầm các loại; tổng diện tích trồng keo đạt 420 ha,…
Công trình nhà văn hóa xã được xây dựng khang trang
Một trong những điểm nổi bật của việc xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng bảo vệ môi trường mà người dân xã Tân Hóa đã đi tiên phong và làm tốt, đó là việc quy hoạch và xây dựng các khu chuồng trại chăn nuôi trâu bò tập trung nằm xa các khu dân cư. Do vậy, đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong các trang trại, gia trại chăn nuôi.
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển ngành sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng bền vững, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tân Hóa còn chú trọng khuyến khích, động viên Nhân dân đầu tư phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, thương mại để tăng thêm thu nhập.
Các hoạt động giáo dục đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân, việc xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được chú trọng. Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh thường xuyên được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi, tạo sự yên tâm cao đối với khách du lịch gần xã mỗi lần ghé đến tham quan và có nhiều trải nghiệm thú vị tại Tân Hóa.
Khu chuồng trại tập trung xây dựng xa khu dân cư
Đến nay, thu nhập bình quân theo đầu người ở xã Tân Hóa đã đạt trên 43 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng so với thời điểm năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo còn 3,36% (giảm 1,64% so với năm 2019).
Cùng với việc chính thức hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, một trong những niềm vui, niềm hạnh phúc và niềm tự hào mà Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Hóa gặt hái được trong suốt một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu, đó là chiều ngày 19/10/2023 vừa qua, tại Samarkand, nước Uzbekistan, Tân Hóa vinh dự đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh Tân Hóa là "Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Biết biến những thách thức thành cơ hội, phát huy những kết quả đã đạt được, tin chắc rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Hóa sẽ tiếp tục gặp hái được nhiều thành tích quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao.
Trương Văn Hà