Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những nội dung xuyên suốt, là giải pháp trọng tâm để tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trong tình hình mới, thời gian qua, Huyện ủy Bố Trạch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Khối Dân vận cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tập trung chỉ đạo xây dựng nội dung tiêu chí, quy trình triển khai các mô hình “Dân vận khéo” cho các cơ quan, địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng chỉ đạo tổ chức phát động, đăng ký xây dựng các mô hình; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả; định kỳ khảo sát, đánh giá, công nhận các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần khơi dậy, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các mặt công tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên địa bàn huyện.
Đại diện lãnh đạo Huyện ủy Bố Trạch tặng giấy khen cho các tập thể điển hình
trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023
Trên lĩnh vực kinh tế, xây dựng hạ tầng, phong trào thi đua đã góp phần tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, đưa kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo mức tăng trưởng. Tiêu biểu nhất là mô hình “Vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn huyện” của Đảng bộ cơ quan chính quyền huyện. Mô hình đã được triển khai quyết liệt, góp phần tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận ủng hộ chủ trương và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho dự án tiến hành đúng tiến độ, đạt các yêu cầu đề ra... Hay như các mô hình: “Vận động Nhân dân tham gia chương trình Xây dựng sản phẩm OCOP” của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; “Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp” của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm; “Vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng tới chuỗi giá trị và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, OCOP” của Hội Nông dân xã Lý Trạch… đã góp phần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 22/28 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP, với 64 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 59 sản phẩm 3 sao); 18/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,81%, hiện còn 3,81%; thu nhập bình quân đầu người đạt 59,7 triệu đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua đã tích cực vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện các mục tiêu về giáo dục và đào tạo, y tế, xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đảm bảo an sinh xã hội. Tiêu biểu như các mô hình: “Vận động cán bộ, đoàn viên, Nhân dân tham gia chương trình Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” của thôn Đại Nam 2, xã Đại Trạch; “Vận động Nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng đường điện thắp sáng đường quê” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phúc Trạch; “Xứ họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” của Khối Dân vận Đảng ủy xã Hòa Trạch; “Làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường” của Trường Phổ thông Trung học Lê Quý Đôn… Đến năm 2023, toàn huyện có 89% làng, thôn, bản, tiểu khu; 84% cơ quan, đơn vị; 87% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố quốc phòng, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện hằng năm giảm cả 3 tiêu chí; công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ngày càng đi vào nền nếp. Tiêu biểu là các mô hình “Tổ an ninh tự quản” của thôn 3, xã Lâm Trạch; “Tăng cường mối quan hệ giao lưu và kết nghĩa lương - giáo với thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch” của cán bộ và Nhân dân thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch… Mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” đã được triển khai ở các khu dân cư có đông đồng bào Công giáo thực sự mang lại hiệu quả, góp phần tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của đồng bào Công giáo thực hiện “Sống tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy trí tuệ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp. Tiêu biểu như mô hình: “Vận động Nhân dân thực hiện Đề án 06 của Chính phủ” của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện; “Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, cơ quan kiểu mẫu” của Ủy ban nhân dân xã Đại Trạch; “Cán bộ, đảng viên, công chức bám bản” của Đảng bộ xã Thượng Trạch; “Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các khu dân cư”... Đặc biệt là mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” do Ban Dân vận Huyện ủy đảm nhận, được triển khai từ tháng 6/2022 đến nay đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả rõ nét. Mô hình đã góp phần kết nối 22 xã, thị trấn giúp đỡ 22 bản trên địa bàn huyện, thực hiện được 75 công trình, phần việc, trị giá trên 3,8 tỷ đồng, kịp thời sẻ chia tinh thần, hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số vượt khó vươn lên, xây dựng đời sống ngày càng tiến bộ.
Kết quả chung, giai đoạn 2021-2023, các đảng ủy trực thuộc Huyện ủy đã tiến hành xét, công nhận 547 mô hình tập thể và 359 mô hình cá nhân; tôn vinh 78 điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xét và công nhận 50 mô hình, khen thưởng 21 điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023.
Có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Bố Trạch đã làm phong phú và nâng cao chất lượng các phong trào yêu nước, các cuộc vận động, góp phần tăng cường và đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, cũng góp phần đúc rút ra một số kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn toàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, đó là:
Thứ nhất, phải quán triệt, nhận thức sâu sắc việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị; là kết quả để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị để thực hiện phong trào thi đua. Trong đó, đề cao vai trò của cơ quan tham mưu chỉ đạo phong trào thi đua; trách nhiệm trực tiếp làm công tác dân vận nói chung và thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng của chính quyền, các cơ quan nhà nước; việc triển khai phong trào thi đua của Mặt trận, các đoàn thể và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân là những nhân tố quan trọng quyết định kết quả và sức lan tỏa của phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Thứ ba, thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng, rà soát, bổ sung các tiêu chí, quy trình thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” đảm bảo tính khoa học, thực tiễn để đạt hiệu quả cao. Nội dung mô hình phải bám vào nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, tập trung giải quyết các vấn đề khó, bức thiết đặt ra trong thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho các tầng lớp Nhân dân.
Thứ tư, quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đó rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được; chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển ngày càng sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực.
GT