Một mùa xuân mới đã về trên khắp mọi miền của quê hương, đất nước. Đi giữa mùa xuân của đất trời và lòng người giao hòa, sức xuân đang lan tỏa khắp mọi nhà, mọi nẻo đường và trên từng khuôn mặt rạng ngời của người dân. Trong những giây phút thiêng liêng đầu xuân mới này, nhìn lại năm Quý Mão đầy thử thách, với những biến động khó lường, chúng ta càng tự hào truyền thống quật cường, khí phách của quê hương Quảng Ninh anh hùng. Trước những thách thức đó, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp huyện Quảng Ninh đã có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, thể hiện rõ bản lĩnh và trí tuệ, chung sức, đồng lòng, từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên đạt được những kết quả khá toàn diện, với cơ bản các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Về phát triển nông nghiêp, UBND huyện chú trọng thực hiện đề án cải tạo bộ giống mới có năng suất, chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Thực hiện liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 81 ha, liên kết tiêu thụ sản phẩm 295 ha. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện và các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh cây lúa, ngô, rau màu và các loại cây thực phẩm khác. Đặc biệt, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 98 ha đất trồng lúa ít hiệu quả sang trồng dưa hấu, ngô, đậu xanh, mướp đắng… góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung với 24 trang trại, 300 gia trại và nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lợn, gia cầm có thu nhập ổn định và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Công tác khai thác, nuôi trồng thủy hải sản được chú trọng, với tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng đạt 6.481 tấn, tăng 4,09% so cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt năm 2023 đạt 188 tỷ đồng, tăng 2,9% so cùng kỳ.
Thực hiện mục tiêu tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế, Quảng Ninh đã tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn, mở rộng sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến nông sản… Các công ty, nhà máy công nghiệp được xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 5,13% so cùng kỳ.
Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được Nhân dân đồng thuận. Đến nay, tổng số tiêu chí của 14 xã theo Bộ tiêu chí mới đạt 239 tiêu chí, trung bình 17,1 tiêu chí/xã; tổng số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 141 tiêu chí, trung bình 10,1 tiêu chí/ xã. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được các cấp, các ngành và các chủ thể quan tâm thực hiện, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Và hiện nay trên địa bàn huyện đã có 18 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh, và 14 sản phẩm 3 sao cấp huyện, nhiều sản phẩm thế mạnh khác đang được các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương xây dựng phấn đấu đạt tiêu chuẩn. Cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn mới được hình thành, tạo điều kiện cho Nhân dân ở các khu dân cư đón Xuân vui vẻ, đầm ấm.
Song song với phát triển kính tế, Quảng Ninh còn đẩy mạnh các phong trào, hoạt động văn hoá, xã hội. Hệ thống trường lớp ở các cấp học, ngành học được sắp xếp bố trí hợp lý, chất lượng dạy học được nâng cao. Toàn huyện có 35/48 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 72,9%, duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ III. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế từ huyện đến tận thôn, bản, tổ dân phố được đầu tư xây dựng cả vệ đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất; các chương trình y tế quốc gia thực hiện đạt kết quả cao. 15/15 xã, thị trấn giữ vững tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế. Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình được thực hiện đạt kế hoạch, với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,98%.
Phong trào rèn luyện thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên, tạo không khí thi đua sôi nổi ở các địa phương; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được quan tâm thực hiện. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn đinh, đảm bảo cho Nhân dân vui Tết, đón Xuân đầm ấm.
Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tiếp tục triển khai “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết, Kết luận Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và Quy định số 12-QĐ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đấu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết có hiệu quả, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Những thành quả ấy thật đáng trân trọng, góp phần củng cố, tăng thêm niềm tin, ý chí và động lực mới cho Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà trên bước đường đi tới.
Xuân mới đã về! Sắc xuân đã bừng lên trên gương mặt mỗi gia đình, mỗi làng quê. Sức xuân phơi phới cho lòng người rạo rực niềm tin mới. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước, cả tỉnh làm nên những mùa xuân tươi thắm cho đất nước vạn xuân.
Ng. Khang