Thực hiện vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò, tích cực góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, trọng tâm là góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương và của tỉnh; các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tổ chức 12 hội nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình; Dự án thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1 (cầu Quán Hàu, cầu Gianh và hầm Đèo Ngang)… Qua đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và bảo đảm tính khả thi của các dự án.
Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, MTTQ các cấp thường xuyên, chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, tổng hợp các ý kiến kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, hội viên, cử tri và Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND cùng cấp nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, TXCT theo chuyên đề. Trong 5 năm 2019-2024 đã tổ chức 154 hội nghị TXCT của đại biểu Quốc hội và 8.018 hội nghị TXCT của đại biểu HĐND các cấp, tập hợp được 50.188 lượt ý kiến gửi đến các kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp. Các ý kiến của cử tri được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, trả lời theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền, hướng đến sự hài lòng của người dân.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết của Đảng, chương trình, đề án của tỉnh, từ đó, đề ra những giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh của tỉnh. MTTQ Việt Nam các cấp cũng tích cực nghiên cứu, tham gia xây dựng pháp luật; triển khai thực hiện việc lấy ý kiến tham gia góp ý đối với các dự thảo luật quan trọng như: dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (sửa đổi)…; tham gia góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Mặt trận các cấp thường xuyên nắm tình hình thực thi pháp luật và những ý kiến đề xuất của các tổ chức, đơn vị, Nhân dân trong quá trình thực hiện để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định và thực tiễn cuộc sống.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ và tiến độ thời gian quy định. MTTQ và các đoàn thể đã vận động cử tri tham gia bầu cử đạt tỷ lệ cao (98,77%), trong đó có 99/151 xã, phường, thị trấn số lượng cử tri đi bầu cử đạt 100%; đã hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đúng quy trình, đảm bảo về cơ cấu, thành phần, số lượng. Cử tri đã bầu được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Những năm qua, công tác GS, PBXH của Mặt trận các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, phát huy rõ vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể CT-XH đã chủ động lựa chọn các vấn đề được dư luận xã hội, Nhân dân quan tâm, phù hợp với yêu cầu của cấp uỷ để tổ chức GS thông qua nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Từ năm 2019-2024, Mặt trận 3 cấp và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã chủ trì tổ chức 6.807 cuộc GS, trong đó, tổ chức 5.156 cuộc GS trực tiếp; GS qua nghiên cứu, xem xét 1.451 văn bản của các cơ quan chức năng ban hành liên quan đến sự phát triển KT-XH của địa phương, quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Tham gia 835 cuộc GS của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Thường trực HĐND cùng cấp. Sau GS, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện đã xây dựng văn bản kiến nghị gửi HĐND, UBND và các cơ quan liên quan về những vấn đề cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết.
Hoạt động PBXH của Mặt trận các cấp được triển khai thực hiện mang lại nhiều kết quả quan trọng. 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã tổ chức 45 hội nghị PBXH; gửi 18 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, 42 dự thảo văn bản của cấp huyện để lấy ý kiến của các chuyên gia, Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh; tiếp nhận được gần 2.000 ý kiến phản biện đối với các dự thảo văn bản. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến PBXH rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia đối với một số dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Thông qua đó, góp phần bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân đối với các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” trong hệ thống Mặt trận các cấp và xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hàng năm. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các quyết định, quy định của Đảng về phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể CT-XH và Nhân dân GS đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong các hoạt động GS, thi hành kỷ luật đảng và trong thanh tra; triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; nâng cao chất lượng tiếp nhận và xử lý đơn thư, ý kiến phản ánh của công dân;...
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban GS đầu tư của cộng đồng; công tác hòa giải; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm hướng dẫn tổ chức thực hiện. Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, thực hiện đầy đủ các nội dung của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (nay là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở) với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân GS, dân thụ hưởng”; tổ chức cho Nhân dân tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng công trình công cộng phục vụ dân sinh; các khoản đóng góp tại địa phương; xét các đối tượng được hỗ trợ xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, hưởng chế độ, chính sách đúng quy định pháp luật…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một số nơi vẫn còn thiếu thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Ủy ban MTTQ ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Công tác GS và PBXH tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hoạt động GS đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của MTTQ trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phát huy quyền, trách nhiệm, tích cực tham gia tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031; thường xuyên GS việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hàng năm, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 07/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH trong tỉnh. Triển khai Đề án nâng cao chất lượng hoạt động GS, PBXH của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024-2029; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác GS, PBXH đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tổ chức GS, PBXH có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề xã hội quan tâm.
Thứ ba, kết hợp nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin, thường xuyên nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND cùng cấp, các đơn vị liên quan tiếp tục đổi mới hoạt động TXCT của đại biểu dân cử. Tham gia tổ chức tiếp xúc gặp mặt, đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân để cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe, hướng dẫn, giải thích, đối thoại, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề Nhân dân quan tâm, kiến nghị, đề xuất.
Thứ tư, triển khai hiệu quả Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Thứ năm, tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền của Nhân dân trong tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, quyết định và GS những nội dung đã được pháp luật quy định với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân GS, dân thụ hưởng”; kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban GS đầu tư của cộng đồng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân...
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, nhiệm kỳ 2024-2029, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Bình tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; chung sức, chung lòng cùng các cấp ủy đảng, chính quyền phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, xây dựng tỉnh Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
H.T.K