Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, nhất là Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 9/02/2022 của UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, quán triệt, lồng ghép các nội dung chuyển đổi số trong xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai các mặt công tác của Hội.
Trước hết, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, nông dân thấy được lợi ích của chuyển đổi số, sức mạnh của công nghệ số đối với đời sống, sản xuất nói chung và trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản và phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đáng chú ý trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới nói chung và việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng trên làn sóng phát thanh, truyền hình và các nền tảng số, với 500 tin, bài, phóng sự, phản ánh trên sóng Phát thanh; 1.000 tin, bài, phóng sự, phản ánh trên sóng Truyền hình; 24 số chuyên mục “Xây dựng Nông thôn mới”; lồng ghép tuyên truyền trong các chuyên mục: Bạn của nhà nông; Nông nghiệp sạch cho cộng đồng; Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh…
Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử… Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Du lịch, Bưu điện tỉnh, Công ty Viettel chi nhánh Quảng Bình, Báo điện tử Quảng Bình tổ chức tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, về du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP, về đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn và hướng dẫn livestream, bán hàng trên các kênh mạng xã hội. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, gắn mã số, mã vạch, mã QR Code cho sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện các thủ tục về vệ sinh toàn thực phẩm. Triển khai Thoả thuận hợp tác với Ngân hàng Cổ phần Quân đội (MB Bank) về “Triển khai tải app MB bank” trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch của hội viên, nông dân.
Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình
với Ngân hàng MB Quảng Bình
Xác định chất lượng nông sản là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản. Các mô hình tưới nhỏ giọt Israel; trồng cây thủy canh trong nhà màng; nuôi tôm công nghệ cao... đã được triển khai, áp dụng tại các địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình Trồng rau thủy canh trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới tự động của anh Nguyễn Hữu Việt, Tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, với diện tích canh tác hơn 1.000 m2, mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn rau, quả các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Mô hình trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Hoàng Minh Thắng, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, có quy mô hơn 6 ha, với 15 ao nuôi, duy trì thả 5 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, hằng năm cho doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/năm (lãi ròng hơn 1,5 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên, với mức lương trung bình từ 6-8 triệu đồng/người/tháng). Mô hình nuôi lợn trong hệ thống nhà lạnh khép kín của anh Nguyễn Văn Trung, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, có diện tích 1.200 m2, quy mô 1.200 lợn thịt/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm trang trại thu lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng…
Ngoài ra, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng Hội thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Quảng Bình; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ bình xét, lựa chọn các giải pháp xuất sắc gửi tham gia cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Thông qua các hoạt động này đã góp phần khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân toàn tỉnh, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các sản phẩm đặc trưng có chất lượng, hiệu quả cao. Chỉ tính riêng sản phẩm OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 94 sản phẩm đạt cấp tỉnh, trong đó: 05 sản phẩm đạt 4 sao; 89 sản phẩm đạt 3 sao; có 63 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được công nhận (gồm 38 hợp tác xã, chiếm 60,3%; 14 doanh nghiệp, chiếm 22,2%; 11 hộ kinh doanh cá thể, chiếm 17,5%).
Để hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 về đưa sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh giỏi lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postsmart. Đến nay, đã đưa được 85 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 38 sản phẩm OCOP Quảng Bình lên sàn thương mại điện tử Postmart (thị xã Ba Đồn 14, huyện Quảng Trạch 4, huyện Lệ Thủy 7, huyện Bố Trạch 9, huyện Quảng Ninh 2, thành phố Đồng Hới 2). Trung bình mỗi tháng có trên 150 đơn hàng của hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giao dịch qua sàn Postmart.vn. Người nông dân Quảng Bình có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh để truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, thời gian qua, ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo, người dân đã chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng.
Thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các hộ sản xuất ngày càng nhận thức thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các mô hình liên kết đa dạng giữa các hộ kinh doanh, tổ hợp tác và hợp tác xã với doanh nghiệp trong việc sản xuất nông sản sạch thông qua ký kết hợp đồng kinh tế. Sự chuẩn hóa thông tin trong tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo độ tin cậy của thông tin về sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh, đồng thời yêu cầu người dân và cơ sở sản xuất kinh doanh phải đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ quy trình sản xuất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nông sản cung ứng cho thị trường.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn tăng cường liên kết, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tỉnh tham gia vào các chuỗi sự kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2022, thông qua chương trình “Kết nối nông sản - san sẽ yêu thương”, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ Nông dân - Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh đã giới thiệu và bán hơn 100 sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 35 nhà cung cấp trong tỉnh; triển khai gắn mã QR cho 8 hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa hơn 30 sản phẩm tiêu biểu đại diện cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng. Với những kết quả đạt được trên đây có thể xem là thành công bước đầu khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp Hội Nông dân, hội viên, nông dân tỉnh nhà trên con đường hội nhập vươn lên bắt nhịp xu thế của thời đại công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia thực hiện chuyển đổi số của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý nhận thức của một bộ phận hội viên, nông dân về chuyển đổi số có mặt chưa đầy đủ; vẫn còn số đông hội viên, nông dân chưa được đào tạo, tập huấn bài bản về chuyển đổi số nên còn gặp nhiều khó khăn trong các thao tác và đánh giá hiệu quả. Nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế. Mặt khác quy mô của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ; sự thiếu thốn và chưa đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị máy móc (thiếu máy tính, điện thoại thông minh…); khó khăn về nguồn lực tài chính để thực hiện các mặt chuyển đổi số… là những rào cản ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Xác định đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định thành công của chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bởi lẽ có nhận thức được yêu cầu bức thiết của công nghệ số trong ngành nông nghiệp thì doanh nghiệp, người nông dân mới tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Thứu hai, chú trọng bối dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để cung cấp kiến thức, các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp tới các chủ doanh nghiệp, trang trại, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và hội viên, nông dân. Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi số; hướng dẫn hội viên, nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tham mưu nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ với chi phí cạnh tranh; đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, nhất là dữ liệu đất đai, cây, con, vùng trồng, người trồng, số lượng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, số hóa văn bản điều hành của các cấp, các ngành.
Thứ tư, tiếp tục tham mưu, triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân trong thúc đẩy chuyển đổi trong các khâu của các quá trình sản xuất. Trong đó, tạo cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân là một trong những giải pháp quan trọng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Huy động các nguồn lực hỗ trợ cho hội viên, nông dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận và sử dụng điện thoại thông minh kết nối hệ thống mạng Wifi, mạng 4G để ứng dụng công nghệ số trong đời sống và sản xuất.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh: “Chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế” [1]. Trong đó đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những giải pháp cụ thể, thiết thực, “tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ” [2]. Với vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có hiệu quả thì chuyển đổi số sẽ là một trong những giải pháp then chốt. Tuy nhiên, trên con đường để chủ trương chuyển đổi số đến được với hội viên, nông dân tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội nói chung, trong đó sự nỗ lực, quyết tâm bứt phá vươn lên của các cấp Hội Nông dân và hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh là yếu tố quyết định.
GT
[1] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.60-61.
[2] Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tr.2.