(QBĐT) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, phát triển bền vững các nguồn lực. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác phòng, chống lãng phí hơn lúc nào hết, rất khẩn trương và cấp bách, như “chống giặc nội xâm”.
Xây dựng văn hóa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Nguyễn Văn Ước, Phó Chánh Thanh tra tỉnh
Ngày 31/7/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1422/KH-UBND triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ phòng, chống lãng phí là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Đồng thời, giải quyết triệt để nguyên nhân dẫn đến lãng phí các nguồn tài sản, nhân lực, trí lực...
|
Cần xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành “tự giác”, “tự nguyện”. Khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản, của công...
Với tỉnh Quảng Bình, căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tiễn mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu và nhân dân chú trọng đến một số nhiệm vụ, cụ thể là:
Nhóm nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhóm nhiệm vụ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhóm nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực.
Cuối cùng là nhóm nhiệm vụ phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng và nhân dân trong phòng chống lãng phí.
T.Long (thực hiện)
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện để tránh lãng phí
Đinh Thiếu Sơn, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn
Xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, TX. Ba Đồn đã triển khai nhiều giải pháp trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công đúng mục đích, đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, qua rà soát, thẩm định các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn TX. Ba Đồn giảm trừ khoảng 2,3 tỷ đồng.
Ngay từ giai đoạn thực hiện chủ trương đầu tư, thị xã chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và bảo đảm về nguồn lực; hạn chế tối đa việc hỗ trợ một phần, dẫn đến không đủ nguồn vốn, khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài, gây lãng phí; rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp.
|
Thời gian tới, UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư có dự án khởi công mới bị chậm tiến độ, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập dự án để thẩm định; tập trung giải phóng mặt bằng và khẩn trương triển khai các thủ tục sau đấu thầu để triển khai thi công ngay. Đối với các dự án hoàn thành thủ tục, các đơn vị, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết hàng ngày, lập nhật ký tiến độ thực hiện chi tiết, phân công cụ thể trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu.
D.C.H (thực hiện)
Không để lãng phí tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa
Việc xử lý tài sản công, trụ sở công một cách phù hợp, đúng quy định pháp luật, sau sáp nhập đơn vị hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tránh tình trạng để không, lãng phí.
Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, trên địa bàn huyện Minh Hóa sáp nhập 3 xã Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hóa Thanh để thành lập xã Tân Thành. Sau khi thành lập, xã Tân Thành có diện tích tự nhiên 89,77km2, hơn 5.400 nhân khẩu và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/12/2024.
|
Trong quá trình thực hiện sáp nhập, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra. Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 đơn vị hành chính nảy sinh nhiều bất cập và cần nhiều thời gian để xử lý, nhất là trong việc xử lý trụ sở, tài sản công.
Hiện tại, sau sáp nhập trụ sở của đơn vị hành chính mới đặt tại UBND xã Hóa Tiến (cũ). Với các cơ sở nhà, đất, tài sản công khác, huyện đã tập trung rà soát, đối chiếu, kiểm tra hiện trạng thực tế đánh giá theo các tiêu chí, và báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý theo quy định. Trong thời gian hoàn thiện các quy trình sắp xếp lại, địa phương sẽ linh hoạt chuyển đổi công năng phục vụ mục đích công, nơi sinh hoạt cộng đồng... Đồng thời bố trí người trông coi, giữ nguyên hiện trạng, quyết không để xảy ra tình trạng để không, gây lãng phí tài sản công sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.
X.Phú (thực hiện)