Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Tây Giang cho biết, năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển là 198.889,17 triệu đồng. Đến ngày 22/11/2024, đã phân bổ 182.647,73 triệu đồng, chiếm 91,83% tổng kế hoạch.
Cụ thể, kế hoạch vốn năm 2022-2023 chuyển sang năm 2024 là 59.812,17 triệu đồng, đã phân bổ 56.340,73 triệu đồng, đạt 94,20% kế hoạch. Còn lại 3.471,44 triệu đồng sẽ được phân bổ trong tháng 11/2024. Đối với kế hoạch vốn năm 2024, tổng vốn là 139.077,00 triệu đồng, trong đó đã phân bổ 126.307,00 triệu đồng, tương đương 90,82% kế hoạch. Số vốn còn lại 12.770,00 triệu đồng đang chờ thẩm định và phê duyệt dự án để phân bổ.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển là 198.889,17 triệu đồng. Đến ngày 22/11/2024, đã giải ngân được 89.160,27 triệu đồng, đạt 44,83% kế hoạch vốn (48,82% so với vốn đã phân bổ). Trong đó, vốn năm 2022-2023 chuyển sang năm 2024 đã giải ngân 33.814,00 triệu đồng (56,53% kế hoạch; 60,02% so với vốn đã phân bổ), còn vốn năm 2024 đã giải ngân 55.346,27 triệu đồng (39,80% kế hoạch; 43,82% so với vốn đã phân bổ).
Tổng nguồn vốn sự nghiệp năm 2024 phân bổ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia là 134.653,137 triệu đồng, đã giải ngân 41.969,810 triệu đồng (31,17%) đến ngày 22/11/2024. UBND tỉnh Quảng Nam bổ sung thêm 32.845,50 triệu đồng, hiện đang chờ phân bổ. Các chương trình lớn như phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, và giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ giải ngân lần lượt là 25,11%, 41,18%, và 41,93%.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị, lãnh đạo huyện Tây Giang đã trình bày chi tiết các nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kỳ vọng. Những khó khăn và vướng mắc này đã được đại diện các sở ngành của tỉnh lắng nghe và đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận những kết quả, sự nỗ lực của huyện Tây Giang trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, đề nghị địa phương tập trung quyết liệt trong công tác giải ngân vốn. Địa phương cần thường xuyên cập nhật báo cáo số liệu giải ngân kịp thời và đầy đủ; theo dõi, đôn đốc các nhà thầu thi công các công trình; giao rõ phần việc, gắn trách nhiệm, giải pháp và quản lý điều hành cho các phòng ban, cán bộ chuyên môn có liên quan, phấn đấu và tập trung cao độ trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả giải ngân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu rà soát lại các nguồn vốn chưa được phân bổ và sớm phê duyệt các hồ sơ còn lại để tổ chức mở thầu. Việc giải ngân phải ưu tiên các nguồn vốn từ Trung ương, các nguồn vốn kéo dài và vốn sự nghiệp. Đề nghị UBND huyện và xã thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư, chỉ đạo xây dựng kế hoạch giải ngân và báo cáo tiến độ thường xuyên.
Đặc biệt, huyện Tây Giang cần phân công lãnh đạo thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tháo gỡ vướng mắc và chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh toán khối lượng và giải ngân theo quy định. Công tác giải ngân phải được thực hiện trên tinh thần "bàn tiến không bàn lùi", với mục tiêu đến ngày 31/12/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang, và đến ngày 31/01/2025 giải ngân trên 80% kế hoạch vốn năm 2024.
Với nguồn vốn sự nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang trước ngày 31/12/2024, và đạt trên 80% kế hoạch vốn năm 2024 trước ngày 31/01/2025. Công tác giải ngân cần phải được đẩy mạnh, không chỉ nhằm mục tiêu hoàn thành kế hoạch vốn mà còn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Tây Giang.