Xác định vai trò
Theo thống kê hiện nay, hơn 90% người dùng internet hằng ngày là học sinh, sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên thường xuyên sử dụng các nền tảng trên không gian mạng để tiếp nhận, chia sẻ thông tin.
Trong khi đó, các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng như một phương thức chủ yếu để lan truyền các thông tin xấu độc, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Các thông tin sai lệch, xuyên tạc thường tập trung vào những nhóm nội dung chủ yếu như: Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước; lợi dụng những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, lan truyền thông tin xấu độc, hướng dư luận xã hội tập trung vào những quan điểm không chính xác, lệch lạc, từ đó ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận nhân dân nói chung, đoàn viên thanh niên nói riêng, làm lung lay lòng tin về vai trò lãnh đạo của Đảng.
Xác định vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thời gian qua, tuổi trẻ Quảng Nam đã làm tốt công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng, Nhà nước ta nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua quá trình thực hiện đã tạo được sự chuyển biến tích cực và nhận thức ngày càng sâu sắc hơn của các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội, cán bộ, đảng viên và đoàn viên, thanh niên trong nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững quan điểm, lập trường, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động nhằm bảo vệ tốt an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Hành động đúng hướng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35, tập trung chú trọng “trận địa” mạng xã hội và đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực dẹp tiêu cực” để đăng tải, chia sẻ thông tin chính thống lên các trang mạng xã hội do Đoàn - Hội - Đội quản lý; thành lập các nhóm Zalo, Mocha35 bao gồm sự tham gia của các bí thư huyện, thị thành đoàn và đoàn trực thuộc để kịp thời thông tin, chỉ đạo trong thực hiện các nhiệm vụ; chỉ đạo thành lập các tài khoản mạng xã hội ẩn danh để trực tiếp đấu tranh, report các trang mạng, bài viết xuyên tạc trên không gian mạng; tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ đoàn; xây dựng mô hình liên kết trang Fanpage từ tỉnh đến cơ sở để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng; thường xuyên cập nhật thông tin chỉ đạo của Trung ương Đoàn và có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ này vào ngày thứ Sáu hàng tuần…
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ Quảng Nam tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng” trước thềm Đại hội XIII của Đảng; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; diễn đàn “Tuổi trẻ Quảng Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác”; tuyên truyền ca khúc cách mạng với chủ đề “Tuổi trẻ Quảng Nam sắt son niềm tin với Đảng”; sinh hoạt chính trị với chủ đề “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” và nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị khác với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, qua đó, góp phần hình thành bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, kiên quyết đấu tranh làm thất bại “âm mưu diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Nhìn nhận hạn chế
Vấn đề đặt ra trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong một bộ phận đoàn viên, thanh niên vẫn còn những hạn chế, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, chia sẻ những thông tin xấu độc, xuyên tạc, sai sự thật trên không gian mạng; nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chưa đầy đủ, sâu sắc.
Nhiều người trẻ khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin còn lúng túng, nhất là sử dụng công nghệ cao trong đấu tranh trên không gian mạng. Tình trạng sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên chưa được kiểm soát chặt chẽ về nội dung lẫn cách thức sự dụng...
Tại Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên internet; biết khai thác, sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch...
Nâng cao “sức đề kháng”
Từ thực tiễn cho thấy thời gian tới cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải có nhiều hình thức tập hợp thanh niên, tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới với phương châm “nhận thức đúng, thông tin đủ, hành động nhanh, kết nối mạnh, lan tỏa rộng”.
Các tổ chức đoàn từ tỉnh đến cơ sở thực hiện phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật. Đồng thời tăng cường lan tỏa rộng rãi tấm gương người tốt, việc tốt, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, đấu tranh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Mỗi cấp bộ đoàn nắm bắt, rà soát các group, fanpage, người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…, để lựa chọn, phân chia đối tượng, từ đó thuận tiện trong việc theo dõi và phối hợp triển khai các hoạt động.
Quán triệt đoàn viên, thanh niên sử dụng tài khoản facebook cá nhân “theo dõi”, “thích” hệ thống trang fanpage facebook chính danh, ẩn danh của đơn vị, địa phương mình; thường xuyên bình luận, chia sẻ tin, bài hoạt động của Đoàn, những thông tin chính thống, tích cực trên mạng xã hội.
Mỗi đoàn viên, thanh niên cũng phải cần không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu.
Mỗi tài khoản mạng xã hội của đoàn viên, thanh niên cần phải trở thành một nguồn thông tin tin cậy, lành mạnh, tuyệt đối không chạy theo các trào lưu, xu hướng tiêu cực; kịp thời phát hiện, cảnh báo cho cộng đồng về các trang cung cấp thông tin xấu, độc, giả mạo; phát hiện kịp thời các nguy cơ xâm hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
-------------------
(Tác phẩm hưởng ứng Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023)
LÊ KIM THƯỜNG