Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và 63 điểm cầu của các tỉnh, thành trên cả nước. Điểm cầu Quảng Nam có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. TDCSXH đã phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân. Từ khi có Chỉ thị số 40- CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống của nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến 31/7/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng 43.542 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, việc triển khai kiên trì, đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng TDCSXH. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ (khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW) xuống còn 0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,22%/tổng dư nợ (thời điểm 31/7/2024). Thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.
Đối với Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ năm 2015 đến nay đạt 15.362 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 410 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; đầu tư đến 241/241 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, tổ dân phố, giúp gần 135 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, hỗ trợ tạo việc làm cho gần 68 nghìn lao động (800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho hơn 30 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 107 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 3 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 48 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống; hỗ trợ xây dựng gần 2 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP, hơn 4,7 nghìn hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn. Với 123 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn.