Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Sơn Tây, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và các văn bản của UBND tỉnh trong việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, huyện đã xác định phát triển nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là khâu đột phá; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; huy động các nguồn lực, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, ứng dụng KHCN vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết,… nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện Sơn Tây đã xây dựng, hoàn thành bản đồ thổ nhưỡng- nông hóa và đề xuất phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2045. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp dự kiến đạt hơn 192 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 7.000 tấn; tổng đàn gia súc đạt trên18.400 con; trồng rừng tập trung đạt 1.500 ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt hơn 60%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt hơn 50 nghìn m3; huyện đang triển khai thực hiện việc liên kết phát triển rừng sản xuất và đã cấp chứng chỉ rừng FSC cho 1.511 ha rừng trên địa bàn 2 xã, dự kiến năm 2025 mở rộng phạm vi thực hiện 09/09 xã, trên địa bàn huyện.
|
|
Lãnh đạo huyện Sơn Tây báo cáo tại buổi làm việc |
Về xây dựng nông thôn mới, đến ngày 30/9/2024, toàn huyện có 04 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên và 05 xã đạt từ 7-9 tiêu chí; bình quân đạt 9,56 tiêu chí/xã; phấn đấu đến năm 2025, có 02 xã (Sơn Dung và Sơn Mùa) đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện đã chú trọng thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng, ảnh vệ tinh, các phần mềm FRMS, QGIS,… để theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm cháy rừng; một số HTX và cơ sở sản xuất đã sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại thực hiện tự động hóa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
|
|
Lãnh đạo các sở, ban ngành phát biểu, thảo luận tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, đánh giá về tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Sơn Tây trong những năm qua; đồng thời, đặt vấn đề để làm rõ đối với một số tồn tại, hạn chế, góp ý, đưa ra những biện pháp để tiếp tục định hướng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện trong thời gian tới, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn huyện.
|
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên phát biểu kết luận buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên đánh giá cao kết quả kinh tế- xã hội huyện Sơn Tây đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, làm tốt công tác chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao.
Phó Chủ tịch đề nghị huyện tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu dự họp, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo để Tổ nghiên cứu, khảo sát tổng hợp phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Lam Uyên- T.Tiên