Sign In

“Giải phóng rồi, hòa bình rồi...”

15:56 29/04/2025

Hòa niềm vui chung của cả nước ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ở Quảng Ngãi đâu đâu cũng ngập tràn niềm vui. “Giải phóng rồi, hòa bình rồi!...”, câu nói ấy vang vọng khắp nơi. 

Mong ước đã thành hiện thực 

Thời khắc 50 năm về trước, CCB Trần Tin (78 tuổi), ở tổ dân phố 3, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) - nguyên Đại đội phó Quân sự, Đại đội 3, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 320B) nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh, cảm xúc trong ông như vỡ òa. Tham gia cách mạng vào năm 1964, sau đó ông được điều động ra miền Bắc, đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường để bổ sung lực lượng cho các chiến trường miền Nam. Nhớ lại thời khắc đài phát thanh vang lên tiếng của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, niềm hân hoan, rạo rực vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người lính năm xưa, song trong ông vẫn có những phút giây lắng đọng khi nhớ đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Ông Tin bảo rằng, chiến thắng 30/4 là tất yếu, là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Con đường mà cả dân tộc đã đi qua để có ngày toàn thắng là con đường đầy gian khổ, phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ.

Nhân dân Quảng Ngãi dự mít tinh mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại sân vận động Diên Hồng (khu vực Trung tâm Thanh thiếu nhi Diên Hồng ngày nay). Ảnh: Vũ Doanh Dzụ
Nhân dân Quảng Ngãi dự mít tinh mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại sân vận động Diên Hồng (khu vực Trung tâm Thanh thiếu nhi Diên Hồng ngày nay). Ảnh: Vũ Doanh Dzụ

Tròn nửa thế kỷ sau ngày quê hương giải phóng, ký ức về những ngày tháng oanh liệt vẫn luôn trong tâm trí ông Nguyễn Hồng Sơn (75 tuổi) - nguyên Chính trị viên Đơn vị 65, Huyện đội Tư Nghĩa. Ông Sơn bảo rằng, trong kháng chiến, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm, nhưng không ai chùn bước. Tất cả đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Với vai trò Chính trị viên, ông Sơn không chỉ là người truyền lửa tinh thần mà còn trực tiếp chỉ huy những trận đánh khốc liệt, nơi mà máu và nước mắt hòa quyện cùng tiếng súng và khói lửa. 

Ông Sơn kể, Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 như tiếng sét giữa trời quang, mở đầu cho bản hùng ca đại thắng mùa Xuân năm 1975. “Quân ta đánh đâu thắng đó”, ông Sơn nhấn mạnh. Từ Quảng Ngãi đến Huế, rồi Đà Nẵng lần lượt được giải phóng trong khí thế bừng bừng. Đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975. Mong ước ngày hòa bình, đất nước thống nhất của toàn quân, toàn dân ta đã trở thành hiện thực, kết thúc 21 năm dài đằng đẵng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với biết bao mất mát, đau thương. Ngày 30/4/1975 là ngày toàn dân tộc Việt Nam vang khúc khải hoàn. 

Giọt nước mắt hạnh phúc 

Bà Lê Thị Mỹ (76 tuổi), ở thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) kể, tôi sinh ra khi đất nước chìm trong lửa đạn chiến tranh. Từ thuở ấu thơ, tôi đã chứng kiến những tội ác man rợ của quân xâm lược. Chúng đã tiến hành những cuộc càn quét, đánh đập, hãm hiếp, tra tấn dân lành dã man...  từ đó đã hun đúc trong tôi ngọn lửa căm thù. Năm lên 10 tuổi, tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Gian khổ, hiểm nguy nhưng trong tôi luôn vững tin quân ta sẽ chiến thắng, đất nước sẽ hòa bình, độc lập. Nhắc lại thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, bà Mỹ xúc động kể: “Hôm đó, tôi cùng các đồng đội ngồi quây quần bên chiếc radio nghe bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975. Khi bài hát “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vang lên, tất cả òa khóc trong niềm vui khôn tả. Với tôi, tin thắng trận không chỉ là khúc khải hoàn của đất nước, mà còn là khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời, được trở về, được ôm lấy mẹ cha, người thân sau bao năm xa cách.

Giữa những ngày tháng Tư chan hòa nắng, ông Nguyễn Trợ Tâm (72 tuổi), ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) ngồi bên hiên nhà xem truyền hình về hình ảnh chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành tại TP.Hồ Chí Minh nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Tôi là chiến sĩ của Trung đội 3, Đại đội 75, thuộc Huyện đội Tư Nghĩa. Sau khi giải phóng Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ cầu Sông Vệ, bảo vệ cho quân giải phóng hành quân tiến về Sài Gòn. Từng đoàn quân cùng xe tăng, pháo, tên lửa...  nườm nượp hành quân suốt ngày đêm. Người dân đổ ra chật đường tiếp tế lương thực cho bộ đội, hô to: “Hoan hô quân giải phóng”. Đến trưa 30/4/1975, khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi và đồng đội ôm nhau khóc. Không ai nói nên lời, chỉ khóc... vì mừng. Đất nước mình sạch bóng quân thù rồi”, ông Tâm bồi hồi.

Quảng Ngãi ngày 30/4/1975 rợp cờ hoa. Tiếng hò reo, tiếng nói cười vang lên khắp nẻo đường. “Giải phóng rồi, hòa bình rồi!...”, câu nói ấy vang vọng. Đó không chỉ là ngày của chiến thắng, mà còn là ngày đoàn tụ, ngày mà giấc mơ hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực.

TRÚC LAM - ÁI KIỀU - TRỊNH PHƯƠNG

 


 

Tag:

File đính kèm