Sign In

Vì một Quảng Ngãi phát triển, văn minh và phồn thịnh

22:26 11/02/2024

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, 
                                              Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN

 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo tham quan mô hình mẫu VSIP đầu tư tại Quảng Ngãi. ảnh: NGỌC ĐỨC
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo tham quan mô hình mẫu VSIP đầu tư tại Quảng Ngãi. ảnh: NGỌC ĐỨC

 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân. ẢNH: ngọc đức
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân. ẢNH: NGỌC ĐỨC
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của trung ương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ngãi đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra. 
 

Năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển; 24/25 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 59,169 nghìn tỷ đồng, tăng 3,03%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng, chiếm 68,2%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.193 USD/người, tăng 1,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh khoảng 30,678 nghìn tỷ đồng, vượt 31% dự toán trung ương giao và vượt 28,4% dự toán HĐND tỉnh giao. 

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện mạnh mẽ; các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ngãi đều tăng hạng so với cả nước. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh tăng 34 bậc, tăng cao nhất trong cả nước, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,67% (trong đó miền núi ước giảm 6,01%), vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi tiếp tục được chú trọng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trao đổi với những cán bộ trẻ của tỉnh luân chuyển về cơ sở. ảnh: NGỌC ĐỨC
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trao đổi với những cán bộ trẻ của tỉnh luân chuyển về cơ sở. ảnh: NGỌC ĐỨC

Tỉnh đã chủ động sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nghị quyết XIII của Đảng), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (Nghị quyết XX của Đảng bộ tỉnh) và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà đại hội đề ra. 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023 tiếp tục được tăng cường. Công tác chính trị, tư tưởng được chú trọng. Tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được quan tâm thực hiện thường xuyên. Toàn tỉnh kết nạp 1.967/1.910 đảng viên, vượt chỉ tiêu đề ra. Triển khai thực hiện đồng bộ nhiều đề án, mô hình, phong trào mới về công tác tổ chức, xây dựng đảng như: Mô hình “Dân tin - Đảng cử”; phong trào thi đua xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử. 

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng được tăng cường. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền tiếp tục được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả, chuyển biến tích cực. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội có nhiều đổi mới, phát huy hiệu quả thiết thực. Thực hiện có nền nếp việc đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy các cấp với nhân dân. Rà soát, xem xét giải quyết, tháo gỡ một số vấn đề bức xúc, nổi cộm trong dân (kết quả giải quyết sau đối thoại cấp tỉnh đạt tỷ lệ trên 95%; cấp huyện đạt tỷ lệ khoảng 80 - 90%; cấp xã đạt tỷ lệ khoảng 90 - 95%). Qua đó, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố bạn được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; chính trị, xã hội ổn định.

 

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, như sau:
Thứ nhất, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Thứ hai, bám sát Nghị quyết XIII của Đảng, Nghị quyết XX của Đảng bộ tỉnh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, bổ sung, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định với những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm phù hợp với các quy định, hướng dẫn của trung ương và tình hình thực tế địa phương. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phân công, phân nhiệm cụ thể, có lộ trình, bước đi phù hợp để triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh đề ra.

 

Thứ ba, phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vì đây là nhiệm vụ then chốt, cần được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Để làm được việc này, tập trung thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; giữ gìn đoàn kết thực sự trong Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phải thực sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ tư, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo sát sao khâu tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; dành thời gian đi cơ sở, làm việc với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; chủ động lắng nghe, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân.

Thứ năm, luôn chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa sai phạm; lấy xây là chính, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải quyết sớm các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tăng cường kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị tỉnh.

 

Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết XX của Đảng bộ tỉnh; được dự báo là một năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh phải đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra. Những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện trong năm 2024 đã được thông qua tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14 khóa XX, trong đó xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 
(1) Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, các quy hoạch phân khu 1/2000 trong KKT Dung Quất; các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, bảo đảm đúng định hướng để đẩy mạnh huy động tối đa các nguồn lực thực hiện đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm như: Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định); toàn bộ tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, bảo đảm kết nối đồng bộ với quy hoạch đường bộ ven biển với các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Việt Nam. Đẩy mạnh liên kết vùng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo động lực cho phát triển. 
Phát triển công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững và có chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có lợi thế, có thương hiệu, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu. Tập trung hoàn thiện các dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa, gồm: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; dự án VSIP II Quảng Ngãi; triển khai lập và thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất... Phát triển KKT Dung Quất trở thành trung tâm dịch vụ cảng đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.

Một góc KKT Dung Quất. ảnh: LÊ DANH
Một góc KKT Dung Quất. ảnh: LÊ DANH

Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, năng suất và giá trị gia tăng cao, có khả năng xuất khẩu. Tập trung thực hiện quyết liệt công tác xây dựng nông thôn mới, bảo đảm thực chất, bền vững, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 

Đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, logistics, du lịch, các dịch vụ mới của nền kinh tế số, có giá trị gia tăng cao; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; xây dựng huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Đảo Lý Sơn. ẢNH: THNAH TRUNG
Đảo Lý Sơn. ẢNH: THNAH TRUNG


(3) Triển khai quyết liệt, hiệu quả, toàn diện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030). Song song với các nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2021 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 6/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện miền núi, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

(4) Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Tập trung chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn gắn với tinh giản biên chế và vị trí việc làm bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh.

(5) Tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả chuyển đổi số. Đề xuất phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế, xã hội giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, vùng động lực miền Trung; các chương trình triển khai chuyển đổi số tại vùng. Tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 
(6) Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. 

 

Những kết quả đạt được trong năm 2023 sẽ tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thành công các mục tiêu trong năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XX của Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung, tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. 

 

Trong tiến trình hình thành, xây dựng, phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, các thế hệ người dân Quảng Ngãi luôn tự hào với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, của quê hương núi Ấn - sông Trà. Con người nơi đây đã sớm hun đúc nên tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo, quân và dân Quảng Ngãi anh hùng bất khuất đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do và dũng cảm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều danh nhân, làm rạng rỡ quê hương, đất nước như Trương Định, Lê Trung Đình, Nguyễn Nghiêm, Phạm Văn Đồng... Tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, của quê hương, mỗi một cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và mỗi người dân phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết và khát vọng phát triển, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Đây là cội nguồn của sức mạnh nội sinh, sẽ là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra. Tôi tin rằng, người dân Quảng Ngãi hôm nay với ý thức chính trị, tình cảm chính trị, niềm tin chính trị vào sự lãnh đạo của Đảng, của Tỉnh ủy; về sức mạnh của bề dày văn hóa, lịch sử và những giá trị trân quý của quê hương núi Ấn - sông Trà anh hùng, nếu được phát huy đúng mức, chắc chắn sẽ trở thành hành động chính trị mạnh mẽ cho một Quảng Ngãi phát triển, văn minh và phồn thịnh.

Mừng Xuân mới, quyết tâm mới, khí thế mới, nhiều thắng lợi mới!

 


 

Tag:

File đính kèm