Thấm nhuần sâu sắc công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” trong xây dựng Đảng, những nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng trong đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Sự chủ động này đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH chung.
Những năm qua, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đặc biệt là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cho cả nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030 (2026-2031), gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chủ trương của Trung ương.
Đến nay, công tác quy hoạch cán bộ các cấp đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi (dưới 40 tuổi từ 15% trở lên, 40 đến 50 tuổi từ 40-45%, còn lại là trên 50 tuổi); tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy chiếm 25% trở lên và có cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong quy hoạch ban thường vụ cấp ủy huyện; tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy đối với cấp xã là 15%; tỷ lệ cán bộ người DTTS phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tỉnh cũng chú trọng đổi mới về tiêu chuẩn cán bộ, công khai, minh bạch, dân chủ hóa việc đánh giá, lựa chọn cán bộ; quan tâm bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực sự khoa học, dân chủ, đúng pháp luật và quy định của Đảng “đúng người, đúng việc” nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, không để xảy ra có đơn thư hay dư luận bức xúc trong công tác cán bộ. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ đã được Quảng Ninh quan tâm thực hiện với nhiều đổi mới, cơ bản bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí, bảo đảm gắn kết giữa thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các văn bản của Trung ương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Cụ thể, công tác đánh giá cán bộ được thực hiện theo các hình thức như: Bản thân cán bộ tự đánh giá; tập thể nơi công tác đánh giá; cơ quan, tổ chức theo dõi cán bộ đánh giá; cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú đánh giá; cấp trên và cấp dưới đánh giá; các tổ chức, đoàn thể mà cán bộ đó là thành viên đánh giá; lấy ý kiến nhận xét, góp ý của quần chúng nhân dân.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cũng cụ thể hóa nội dung đánh giá, xây dựng quy chế, tiêu chuẩn chức danh làm căn cứ đánh giá và thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, quy trình, trình tự đánh giá, cụ thể là đánh giá năng lực nghiên cứu, tiếp thu, khả năng lãnh đạo, vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khả năng tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành; khả năng đề xuất các giải pháp đột phá; năng lực dự báo, xử lý tình huống phức tạp trong phạm vi phụ trách; năng lực hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác của địa phương, ngành, lĩnh vực.
Kết quả, chất lượng tham mưu về lĩnh vực phân công phụ trách, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi phụ trách; kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị…
Đặc biệt, thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện bài bản, có đề án, phương án, giải pháp thấu đáo, hợp lý, tiến hành thận trọng, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí, thực hiện từng bước chắc chắn với lộ trình khẩn trương đảm bảo các quy định của Trung ương.
Tỉnh cũng duy trì hiệu quả mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở nơi đủ điều kiện là huyện đảo Cô Tô, tại 115/177 địa phương cấp xã (bằng 65%); bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tại 12/13 đơn vị cấp huyện (bằng 92,3%) và tại 138/177 địa phương cấp xã. Đồng thời, duy trì 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) theo phương châm “Dân tin, Đảng cử” 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2015-2020 và 2020-2025).
Triển khai Kết luận số 16-TB/TW (ngày 7/7/2022) của Bộ Chính trị về việc sắp xếp lại một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm hay, phát huy ưu điểm đạt được; đồng thời quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2015-2022, tỉnh đã giảm 887 công chức (18,7%), 2.280 người làm việc (8,52%), 466 CBCC cấp xã (10,51%), 1.524 người hoạt động không chuyên trách cấp xã (39,18%), 1.543 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố (33,33%).
Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác cán bộ của Quảng Ninh thời gian qua đã có bước đột phá, đổi mới, chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng chặt chẽ, khoa học, bài bản, công khai, dân chủ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là ở cơ sở được chăm lo, xây dựng, từng bước ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt.
Quảng Ninh hiện là một trong những địa phương trong nước sớm cụ thể hóa, hoàn thành nhiệm vụ triển khai công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030 (2026-2031) thống nhất không quy hoạch số cán bộ tối đa cho một chức danh. Hiện tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chức danh ủy viên ban chấp hành đảng bộ, ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh; cấp huyện; cấp trưởng, phó sở, ban, ngành và tương đương với tỷ lệ từ 1 đến 1,3 lần so với đương nhiệm; hệ số còn lại để hằng năm tiếp tục rà soát, phát hiện, bổ sung nhân tố mới.
Cán bộ trẻ cũng như thực hiện quy hoạch “động” và “mở”, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ đạt tỷ lệ, cơ cấu theo quy định. Trong đó, phấn đấu quy hoạch uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có tỷ lệ nữ chiếm 33,96%, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 5,66%, trình độ trên đại học chiếm 98,11%; quy hoạch uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có tỷ lệ nữ chiếm 13,33%, từ 40-50 tuổi chiếm 46,66%, trình độ trên đại học chiếm 93,4%. Quy hoạch uỷ viên ban chấp hành cấp huyện có tỷ lệ nữ chiếm 32,91%, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 29,24%, trình độ trên đại học chiếm 43,79%; quy hoạch uỷ viên ban thường vụ cấp huyện có tỷ lệ nữ chiếm 27,75%, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 17,18%, trình độ trên đại học chiếm 75,77%.
Qua những kết quả đạt được, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, từ nay đến năm 2025, Quảng Ninh xác định tiếp tục quan tâm đổi mới, hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa. Trong đó, quyết liệt rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, quy định, quy chế làm việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hợp nhất, các mô hình thí điểm; tiếp tục thực hiện lộ trình sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa cơ sở giáo dục công lập ở những nơi có điều kiện; hoàn thành sắp xếp theo quy định chung và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đối với bộ máy hệ thống chính trị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.