Sign In

Nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:25 24/09/2024
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới”. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn được thể hiện nhất quán thông qua những chính sách, chương trình, dự án tại các địa phương vùng DTTS và miền núi. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, trước những tác động của nền kinh tế thị trường và sự tồn tại “ăn sâu, bám rễ” của nhiều hủ tục lạc hậu, vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em DTTS. Vì thế, các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đã nỗ lực để giải quyết các vấn đề cấp thiết, hỗ trợ phụ nữ tăng quyền năng kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS, thúc đẩy bình đẳng giới.

Bài 1: Hóa giải “lời ru buồn” trên rẻo cao

Giữa những ngọn đồi trùng điệp của dãy Trường Sơn qua địa phận tỉnh Quảng Trị là nơi sinh sống quần tụ của hơn 9,7 vạn đồng bào DTTS. Sợi dây lưu truyền văn hóa, tập tục qua bao thế hệ là một nét đẹp của người đồng bào nơi đây, song đôi khi cũng là sự ràng buộc những phận người quẩn quanh trong hủ tục, quan điểm lạc hậu, không lối thoát...

Trong đó, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới là những vấn nạn còn mãi đeo đẳng số phận những phụ nữ, trẻ em trên những bản làng Đông Trường Sơn. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ quyền và nâng cao vị thế cho phụ nữ, trẻ em DTTS và miền núi (MN), trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục, hỗ trợ phụ nữ phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới.

Tiếng ru buồn còn vang vọng...

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã, thị trấn có đồng DTTS sinh sống, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Điều kiện kinh tế cũng như trình độ dân trí ở nhiều địa phương, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới không đồng đều. Mặc dù, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh, tuy nhiên ý thức tuân thủ của người dân còn hạn chế.

Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh có 3.344 trường hợp kết hôn, trong đó có 331 trường hợp tảo hôn, chiếm 9,9%. Nhiều năm liền không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống (HNCTT). Mặc dù số vụ tảo hôn có chiều hướng giảm, nhưng tình trạng tảo hôn, HNCTT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp và có khả năng tái diễn cao.

Nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu sốTình trạng tảo hôn khiến nhiều gia đình trẻ rơi vào cảnh “đói cơm, nhạt muối” - Ảnh: Bảo Châu

Đặc biệt, ở huyện Đakrông, tình trạng tảo hôn hiện vẫn còn diễn ra tại địa bàn nhiều xã. Theo số liệu báo cáo của UBND 13 xã, thị trấn và qua điều tra, rà soát hằng năm của Trung tâm Y tế huyện Đakrông, số lượng tảo hôn năm 2023 là 62 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 35 trường hợp. Trong đó, xã A Vao là một trong số xã có nhiều trường hợp kết hôn sớm. Ở đây, 98% dân số là người Pa Kô, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, sát biên giới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân chưa cao nên việc triển khai công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở xã gặp không ít trở ngại.

Suy nghĩ “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” vẫn ám ảnh nơi rẻo cao khiến nạn tảo hôn âm ỉ trong những bản làng tại A Vao. Chính vì vậy, cái vòng luẩn quẩn “Thất học, tảo hôn, nghèo đói...” dường như chưa muốn dừng lại với người đồng bào nơi đây.

Vào một ngày trời mưa nặng hạt, chúng tôi ghé thăm gia đình của em H.T.L. (Thôn Pa Lin, xã A Vao). Thật không khỏi bất ngờ trước căn nhà sàn ẩm thấp, xập xệ của gia đình, không ánh đèn điện, không một thiết bị chiếu sáng, thứ duy nhất có thể tận dụng là ánh sáng mặt trời.

L. lấy chồng khi chưa tròn 15 tuổi, chồng L. cũng chỉ vừa bước sang tuổi 19, gia đình khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy. Rồi con thơ ra đời, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lại chồng thêm vất vả. Mùa giáp hạt, cả 3 người trẻ lại rơi vào cảnh “đói cơm, nhạt muối”. “Lấy chồng rồi mới biết cái khổ thì đã muộn rồi!”,H.T.L. chia sẻ.

Không riêng gì ở xã A Vao, toàn huyện Đakrông có 13 xã, thị trấn thì năm 2023, tình trạng tảo hôn xảy ra ở 11 xã, trong đó, nổi lên các xã có số trường hợp tảo hôn là: Đakrông (13 trường hợp), Tà Rụt (7 trường hợp), A Bung và Ba Nang (6 trường hợp).

Còn tại huyện Hướng Hóa, trong giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ tảo hôn dao động từ 16,6% - 21,36%, tổng số tảo hôn là 692 cặp. Trong khi đó, năm 2021 huyện có 122 cặp tảo hôn, chiếm 30,27% số trường hợp kết hôn trong năm. Hậu quả là không ít em đã phải bỏ học giữa chừng. Nhiều em gái đã trở thành mẹ khi xương hông chưa kịp nở, khi cặp sách trên vai phải thay bằng muôn nỗi lo toan về gia đình, con cái.

“Khép lại” chuyện buồn tảo hôn

Trước những thực trạng vẫn còn tiếp diễn, thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Kế hoạch số 154 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025”.

Với quyết tâm đến năm 2025, Quảng Trị duy trì mức giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống; hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có tình trạng HNCHT trong vùng đồng bào DTTS... Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực, cũng như đảm bảo phát triển bền vững của địa phương.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh cho biết: “Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống tảo hôn và HNCHT với nội dung và hình thức phong phú như: tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và HNCHT tại các trường THCS và dân tộc nội trú, cụm xã vùng biên giới, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh; xây dựng phóng sự và video clip tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT bằng tiếng phổ thông và tiếng Brũ-Vân Kiều trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đồng thời thu nội dung vào thiết bị USB cung cấp đến toàn bộ các xã, 45 trường học, 9 đồn biên phòng tuyến biên giới vùng DTTS để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỉ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và HNCHT”.

UBND các huyện, xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hàng trăm lượt tư vấn, xây dựng các mô hình điểm về quy ước thôn, bản không có tảo hôn và HNCHT.... Một số địa phương đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, bước đầu tạo được hiệu quả đáng kể như: thôn A Đăng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), Vùng Kho (xã Đakrông, huyện Đakrông), Ra Po (xã Xy, huyện Hướng Hóa), Thanh 1 (xã Thanh, huyện Hướng Hóa)...

Các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn các huyện đã phối hợp chặt chẽ với người dân địa phương tăng cường công tác bám nắm tình hình, kiểm tra, giám sát địa bàn nhằm phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ tảo hôn để cùng với gia đình, họ tộc. Phát huy “những tiếng nói có uy tín” tại bản làng để tuyên truyền, vận động họ thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, đồng thời cùng với chính quyền địa phương xử phạt một số đối tượng tảo hôn, hay tổ chức tảo hôn theo quy định của pháp luật. Đến nay, số lượng tảo hôn trên địa bàn các xã vùng cao đã giảm đáng kể so với trước đây.

Để đối tượng yếu thế “không bị bỏ lại phía sau”

Xác định phụ nữ, trẻ em vùng DTTS là nhóm dễ bị tổn thương, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác bảo vệ và nâng cao năng lực, hiểu biết cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS, tạo điều kiện tốt nhất để đáp ứng các nhu cầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng một cách bình đẳng với nam giới, làm tiền đề vững chắc để những đối tượng này được đóng góp năng lực, sức mạnh nội tại vào sự phát triển chung của địa phương.

Nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu sốNhiều chương trình, dự án hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ và trẻ vùng đồng bào DTTS và miền núi - Ảnh: Thu Thảo

Điều này được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã nêu bật nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách, trong đó có “Chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa xóa mù chữ, phổ cập các cấp học giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, xóa đói, giảm nghèo, tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa” Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào DTTS, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội; các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ Việt Nam”.

Trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 43/2007 về thực hiện Nghị quyết 11/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch hành động thực hiện bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đáng chú ý, ngày 30/6/2022, UBND tỉnh cũng đã ký Quyết định số 1706 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025 với nhiều dự án, tiểu dự án có đối tượng hưởng lợi trực tiếp là phụ nữ và trẻ em.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ và phân công nhiệm vụ rõ ràng tại từng cấp bước đầu đã tạo được hiệu quả trong việc thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS. Theo đó, Sở Tư pháp thực hiện công tác bình đẳng giới và lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hòa giải cơ sở, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật; Ban Dân tộc tỉnh thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS & MN”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, đồng thời phối hợp với các tổ chức triển khai nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS & MN...

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đakrông Hồ Văn Dương cho biết: “Bám sát chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy đã chỉ đạo HĐND, UBND, huyện ban hành các văn bản chỉ đạo. Theo đó, cụ thể hóa các chỉ tiêu, yêu cầu để phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời, hướng dẫn cơ sở triển khai các mục tiêu, từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của người dân, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sinh kế, môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em... Cụ thể, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 08 về “Xây dựng Đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN huyện Đakrông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án số 143 về thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN huyện Đakrông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 186 của UBND huyện về “Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Đakrông”. Đồng thời, hằng năm, dựa trên những tham mưu của các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện, UBND đã ban hành các kế hoạch hoạt động cũng như kế hoạch về kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình MTQG nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS”.

Thu Thảo – Ngọc Anh

Tag:

File đính kèm