Sign In

Huyện Cù Lao Dung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội

15:45 01/12/2023
Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong công tác tư tưởng của Đảng, nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung và nhiệm vụ công tác Tuyên giáo nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

 


Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo 35 và đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội huyện Cù Lao Dung 6 tháng cuối năm 2023.

 

Trên cơ sở Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW, ngày 26/12/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Kết luận 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng liên quan đến việc thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Huyện ủy Cù Lao Dung chỉ đạo quán triệt, triển khai, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, cộng tác viên dư luận xã hội, báo cáo viên của huyện. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của huyện triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư; ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các nội dung của Kết luận và đưa công tác nắm bắt dư luận xã hội gắn với công tác tuyên truyền miệng, hội nghị báo cáo viên vào chương trình, kế hoạch công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư, công tác nắm bắt, nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội trên địa bàn huyện Cù Lao Dung được thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân đã giúp các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện có thêm thông tin cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; đồng thời, kịp thời phát hiện, hạn chế các luồng dư luận tiêu cực và thông tin xấu độc, góp phần đẩy lùi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội được tổ chức có hệ thống từ huyện đến cơ sở; chất lượng hoạt động ngày càng được củng cố, kiện toàn, nâng cao. Mạng lưới cộng tác viên dư luận trong ngành tuyên giáo nói chung, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện nói riêng đã trở thành lực lượng quan trọng, là kênh nắm bắt, tập hợp, phản ánh và cung cấp thông tin chính thống, góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực. Chất lượng nắm bắt, tổng hợp, phân tích, tham mưu, phản ánh tình hình dư luận xã hội tiếp tục có sự đổi mới, nêu cao trách nhiệm, tính chủ động kịp thời, trong đó nhiều nội dung có tính dự báo tốt, kiến nghị trúng, khách quan, sát thực với những vấn đề, sự kiện nóng mà dư luận quan tâm. Huyện ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dư luận xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo và cộng tác viên dư luận xã hội. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư được Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo thực hiện. Theo đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận số 100; tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội và báo cáo viên của huyện. Cấp ủy các cấp đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, trong đó có nội dung kiểm tra việc triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Một số cấp ủy, chi bộ cơ sở trên địa bàn huyện Cù Lao Dung chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; đội ngũ cộng tác viên có lúc còn chậm hoặc chưa nhanh nhạy, kịp thời phản ánh những sự việc nổi lên ở địa phương, cơ quan, đơn vị; phản ánh của cộng tác viên dư luận xã hội mang tính chất báo cáo là chính, chưa phân tích, đánh giá bản chất của thông tin dư luận xã hội để có kiến nghị hướng giải quyết. Việc điều tra dư luận xã hội bằng hình thức đánh phiếu tuy thu được kết quả quan trọng song chưa đảm bảo tính khách quan.

Để góp phần giải quyết những hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đảng, trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy đối với công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội. Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, phương pháp điều tra, thăm dò, nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác phản hồi thông tin, công khai kết quả nắm bắt dư luận xã hội đến với nhân dân để người dân nhận thức và sử dụng quyền tự do dân chủ của mình một cách thiết thực nhất; tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, báo cáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chú trọng chất lượng chính trị và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lý Văn Luyện 

Tag:

File đính kèm