Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: THÚY LIỄU
Tính đến cuối tháng 7/2024, các loại hình thiên tai có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, gồm: trên tuyến sông Hậu, xâm nhập mặn bắt đầu từ giữa tháng 2 kéo dài đến tháng 5, ranh mặn 4g/lít, vào sâu trong nội đồng từ 50 - 55km; thời điểm triều cường thấp, khu vực cống đầu nguồn vùng Long Phú - Tiếp Nhật không xuất hiện nước ngọt, theo quy luật ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trên địa bàn thị xã Ngã Năm từ cuối tháng 4 đến tháng 6, mặn tiếp tục xâm nhập cường độ cao từ hướng Bạc Liêu và Xẻo Chít, với độ mặn duy trì trên 8g/lít dẫn đến thiếu nước cục bộ tại một số khu vực đã xuống giống lúa Hè - Thu.
Về sạt lở trên tuyến đê biển Vĩnh Châu thuộc K39 - K45 tiếp tục bị xâm thực rừng phòng hộ không còn, sóng biển uy hiếp trực tiếp vào chân đê; bờ sông huyện Cù Lao Dung bị sạt lở nghiêm trọng trên đê Tả Hữu; xã Song Phụng, huyện Long Phú đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng khu vực Âu thuyền đến vàm sông Hậu. Tuyến đê cồn trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Kế Sách, sạt lở trên địa bàn các xã: An Mỹ, Trinh Phú, Thới An Hội. Tuyến đê sông Mỹ Thanh, huyện Trần Đề sạt lở đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ sắp tới. Tại huyện Mỹ Tú, dòng chảy làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Nhu Gia, xói lở khu vực cống Tam Sóc.
Để ứng phó thiên tai, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện tốt nội dung Công điện số 19/CĐ-TTg, ngày 8/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về việc tập trung ứng phó xâm nhập mặn cao điểm tại đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch số 18/KH-UBND, ngày 29/1/2024 Phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhân dân mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Công văn số 153/UBND-KT, ngày 17/1/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…
Đồng chí Trần Văn Lâu cho rằng, sạt lở là loại hình thiên tai cần nguồn kinh phí thực hiện rất lớn, do đó, để khắc phục sạt lở lớn thì phải xin nguồn kinh phí từ Trung ương, còn đối với các sạt lở ảnh hưởng cấp thiết đến đời sống người dân và đã công bố tình trạng khẩn cấp, thì địa phương cần có báo cáo cụ thể để tỉnh cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục. Đề nghị các địa phương rà soát lại nguồn vốn đầu tư công trình trên địa bàn; đối với tình huống bị sạt lở nguy hiểm thì địa phương báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thực hiện các hồ sơ công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp. Các địa phương cung cấp danh sách các hộ dân sống ngoài đê nếu có tình huống thiên tai, kịp thời di dời hộ dân đến nơi an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền cho chủ tàu trong tỉnh, không cho thuê, cho mượn tàu đối với các đối tượng ngoài tỉnh; lập danh sách hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai; rà soát lại hệ thống đê sông, đê biển có gia cố trước khi mưa bão… Xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cơ quan truyền thông kịp thời tuyên truyền về tình hình thời tiết để chủ động trong các hoạt động sản xuất, đánh bắt thủy hải sản trên biển...
THÚY LIỄU