Thời gian qua, huyện Trần Đề đã tích cực đưa kỹ năng số đến gần với người dân. Công cuộc chuyển đổi số đang được thực hiện từng bước, từ việc thay đổi tư duy nhận thức đến kỹ năng ứng dụng công nghệ của người dân và hướng tới xây dựng thành công 3 trụ cột chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và hạ tầng số.
Nhận thấy kiến thức về công nghệ thông tin của người dân còn chưa đồng đều, khi bắt tay thực hiện chuyển đổi số, huyện Trần Đề đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng số cho người dân trên hệ thống truyền thanh; tuyên truyền trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, các nhóm Zalo triển khai nhiệm vụ cũng duy trì hoạt động hiệu quả. Đặc biệt là phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thị trấn để trực tiếp hướng dẫn, từng bước hình thành kỹ năng và thói quen ứng dụng số cho người dân như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng…
Nhờ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện, chuyển đổi số đã và đang từng bước đi vào đời sống của người dân, đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Đến nay, dữ liệu của huyện tiếp tục được kết nối tích hợp từ dữ liệu của tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng tập trung, phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Trên địa bàn huyện hiện có 652 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hợp đồng điện tử và nộp thuế điện tử. Tính đến tháng 9/2024 đạt tỷ lệ 40,7% trên tổng số khách hàng quản lý thanh toán tiền điện qua ngân hàng, ví điện tử cá nhân, Mobile Money… thanh toán tiền nước trực tuyến cho khoảng 69.000 lượt người dân... Nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cũng được nông dân tiếp cận và sử dụng thành thạo.
Trên địa bàn huyện hiện có 652 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hợp đồng điện tử và nộp thuế điện tử. Tính đến tháng 9/2024 đạt tỷ lệ 40,7% trên tổng số khách hàng quản lý thanh toán tiền điện qua ngân hàng, ví điện tử cá nhân, Mobile Money… thanh toán tiền nước trực tuyến cho khoảng 69.000 lượt người dân... Nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cũng được nông dân tiếp cận và sử dụng thành thạo. |
|
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ảnh: HẢI HÀ |
Việc thay đổi thói quen trong sử dụng công nghệ bước đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Thông qua sự hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình của thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, nhiều nông dân đã chủ động hơn trong sản xuất thông qua các thông tin từ bản tin thời tiết nông vụ được cập nhập hằng ngày, hằng tuần trên nền tảng mạng Zalo.
Ông Sơn Hương ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn chia sẻ:
Nông dân chúng tôi lao động chân tay là chủ yếu nên không rành máy móc, công nghệ. Giờ được các thành viên tổ công nghệ số hướng dẫn sử dụng hiệu quả các thông tin về nông nghiệp. Từ đó tôi nắm được thông tin về thời tiết, các loại sâu bệnh trên cây trồng để canh tác hiệu quả hơn.
Đồng chí Trần Cẩm Tú - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trần Đề cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cùng với Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trần Đề về việc thực hiện nghị quyết này. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hướng tới xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phối hợp với ban chỉ đạo chuyển đổi số các xã, thị trấn tăng cường hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng nhằm đưa chuyển đổi số đến nhiều đối tượng khác nhau, góp phần hoàn thành chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Nhờ sự tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ cập kỹ năng, huyện Trần Đề đã có nhiều đổi thay tích cực trong việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng đời sống người dân. Từ đó góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
HẢI HÀ