Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo công tác
kê khai tài sản của các tổ chức, cá nhân. Ảnh minh họa
Bước vào giai đoạn mới, năm 2023 cũng là năm khá đặc biệt khi ngành Kiểm tra Đảng dồn toàn lực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một trong các nội dung thể hiện quyết tâm của toàn ngành là giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ trong diện cấp ủy quản lý.
Mặc dù trước Nghị định 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính Phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có nhiều văn bản như Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIV ban hành ngày 20/11/2018 (Luật số 36/2018/QH14); Thông tư 08/2013/TT-TTCP, ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định 78/2013/NĐ-CP, ngày 17/7/2013 của Chính Phủ về minh bạch tài sản, thu nhập,… Trước đó thì có Nghị định 37/2007/NĐ-CP, ngày 9/3/2007 của Chính Phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định 64/1998/NĐ-CP, ngày 17/8/1998 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng,… Tuy nhiên, đến khi Nghị định 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính Phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và các văn bản hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, như Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Công văn số 252/TTCP-C.IV, ngày 19/2/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 8/02/2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 03/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì công tác giám sát kê khai tài sản thực sự mới đi vào nền nếp.
Trong tỉnh, sau khi tiếp thu các văn bản của Trung ương, các ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Trong đó, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Công văn số 1516/UBND-HC, ngày 31/10/2013 về việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2013; Tỉnh ủy ban hành Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 19/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 8/3/2021 triển khai thực hiện việc kê khai và công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập; Công văn số 2850/UBND-NC, ngày 7/12/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2022. Gần đây nhất là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 16-KH/UBKTTU, ngày 16/12/2022 thực hiện quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập và Kế hoạch số 24-KH/UBKTTU, ngày 4/4/2023 về xác minh tài sản, thu nhập năm 2023.
Tính đến tháng 9 năm nay, ngành Kiểm tra Đảng toàn tỉnh đã triển khai quyết định giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý được 220 đồng chí. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy triển khai tại 10 đơn vị với số lượng giám sát là 41 đồng chí, qua đó đã ban hành Thông báo Kết luận giám sát được 4 đơn vị với 19 đồng chí; cấp huyện và tương đương triển khai giám sát 197 đồng chí và hiện nay đang thực hiện theo quy trình.
Qua giám sát cho thấy, chủ thể giám sát đều thực hiện đúng quy trình giám sát mà văn bản Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn. Cụ thể là ban hành kế hoạch thực hiện việc giám sát kê khai tài sản, thu nhập của năm; lên danh sách đối tượng phải kê khai chính xác, chọn lựa đối tượng giám sát qua hình thức bốc thăm ngẫu nhiên; quá trình thực hiện bốc thăm đều mời các ngành liên quan như Ban tổ chức, Thanh tra, Nội chính (cấp tỉnh) chứng kiến và khi giám sát có ban hành quyết định thành lập đoàn (tổ), xây dựng kế hoạch, đề cương gợi ý báo cáo theo đúng quy trình… Riêng các đối tượng được giám sát đều chấp hành tốt việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập hằng năm; trung thực trong việc kê khai, cung cấp báo cáo, các bảng kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ giám sát đúng quy định; phối hợp tốt với đoàn (tổ) giám sát nhịp nhàng, chặt chẽ, góp phần cho các cuộc giám sát hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu kế hoạch đề ra; tất cả các cá nhân được giám sát đều kê khai tương đối đạt yêu cầu và quá trình giám sát có đề nghị báo cáo giải trình thêm một số nội dung về tài sản, thu nhập,…
Để công tác giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập ngày càng đi vào nền nếp, đạt chất lượng yêu cầu, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương sớm ban hành quy trình, cách làm trong thực hiện xác minh tài sản, thu nhập. Bởi hiện nay, công tác này chỉ giám sát qua báo cáo và các bản kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng giám sát chưa đi thẩm tra, xác minh, vì theo chỉ đạo phải có ý kiến Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, hoặc khi giải quyết đơn tố cáo, kiểm tra dấu hiệu vi phạm mới đi thẩm tra, xác minh tài sản, thu nhập của đối tượng giám sát.
Trong thời gian tới, để việc giám sát kê khai tài sản, thu nhập đi vào nền nếp, đạt chất lượng theo yêu cầu, nhiệm vụ chung, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ tổng hợp “các điểm còn vướng” trong quá trình thực hiện giám sát xin ý kiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau đó tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cấp huyện và tương đương. Trước tiên mỗi cán bộ kiểm tra phải tăng cường nghiên cứu các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan, đặc biệt là văn bản của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; vận dụng sáng tạo, phù hợp các quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chính xác, công tâm, khách quan và đảm bảo đúng quy trình, quy định của Đảng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Thái Dương