Sign In

Sốp Cộp đa dạng các mô hình “Dân vận khéo”

08:05 09/09/2024
Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Sốp Cộp triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú; có nhiều điển hình, mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.


Mô hình trồng cam của hộ dân bản Khá Men, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp.

 

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sốp Cộp Quàng Văn Chiêng, cho biết: Ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến 100% chi, đảng bộ trực thuộc. Việc triển khai các mô hình “Dân vận khéo” tại cơ sở đã khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; tập hợp sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tập trung xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc; trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc; nâng cao giá trị nông sản, đặc sản địa phương. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có các mô hình tuyên truyền gìn giữ, bảo tồn di tích tháp Mường Và, bảo tồn truyền dạy dân ca dân vũ dân dân tộc Lào; giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú... Trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, các mô hình vận động thu hồi vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ được triển khai hiệu quả; dòng họ tham gia bảo vệ an ninh trật tự; tổ tự quản đường biên, cột mốc; nâng bước em tới trường… Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được gắn với việc cải cách hành chính; chuyển đổi số, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị theo hướng sát dân, vì dân, gần dân, có trách nhiệm với dân.

Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã xây dựng và duy trì 67 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, gồm 49 mô hình tập thể và 18 mô hình cá nhân; trong đó, có 1 mô hình cấp tỉnh, 26 mô hình cấp huyện, 40 mô hình cấp cơ sở. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện sáng tạo ở cơ sở, phát huy vai trò chủ thể các tầng lớp nhân dân trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; xây dựng vùng sản xuất tập trung có năng suất, chất lượng cao, đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác giảm nghèo của địa phương, làm đổi thay diện mạo của các vùng nông thôn.

Đến nay, tất cả các xã của huyện Sốp Cộp đã được xây dựng trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, trường học, trạm y tế kiên cố, khang trang; đường đến trung tâm xã được bê tông và rải nhựa, ô tô đi được bốn mùa; 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; bê tông hóa hàng nghìn tuyến giao thông nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo còn 34,28%.

Xã Dồm Cang có nhiều mô hình “Dân vận khéo”, tiêu biểu như mô hình “Xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất”, “Chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng mới, phù hợp cho năng suất, chất lượng cao”, “Dân vận khéo trong xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa”...

Ông Cầm Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Dồm Cang, cho biết: Đảng ủy xã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã có 3 HTX sản xuất hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, như: Mô hình trồng cam, trồng cà phê của gia đình chị Lò Thị Chum, mô hình chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng của gia đình anh Lò Văn Tươi, cùng ở bản Khá Men, thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm; mô hình trồng cà phê, chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Tòng Văn Phan, bản Cang, có thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm...

Năm 2023, HTX Duy Lợi, bản Nà Mòn, xã Mường Và, đăng ký mô hình “Dân vận khéo” trồng cam theo hướng sản xuất hàng hóa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả, với 9 hộ tham gia, cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Vì Văn Doan, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có gần 20 ha cam, trong đó 13 ha đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép hoặc có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học. Với cách làm này, chất lượng quả cam Nà Mòn được nâng lên, thị trường tiêu thụ ổn định. Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ diện tích cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt từ 10-12 tấn quả/ha, cho thu nhập từ 4 - 4,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn kỹ thuật, vận động các hộ dân trong bản, xã tham gia vào HTX và canh tác theo hướng hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huyện Sốp Cộp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, chú trọng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Tag:

File đính kèm