Tây Ninh có 06 huyện, 02 thị xã (Trảng Bàng và Hoà Thành) và 01 thành phố thuộc tỉnh; tổng diện tích tự nhiên 4.032,61 km2; dân số 1.178.329 người (số liệu thống kê đến năm 2021). Dân tộc Kinh có 1.158.681 người, chiếm tỷ lệ 98,33%; 21 đồng bào dân tộc thiểu số, với 5.127 hộ và 19.648 nhân khẩu, chiếm 1,67% dân số, sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện biên giới (Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành) và một số ít trong nội địa (thị xã Hoà Thành, Thành phố Tây Ninh). Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Khmer với khoảng 0,79%; dân tộc Chăm khoảng 0,36%; đồng bào người Hoa có khoảng 0,3%; người Tà Mun khoảng 0,14% và các dân tộc thiểu số khác chiếm khoảng 0,07%.
Tây Ninh có 08 tôn giáo được công nhận tổ chức tôn giáo, trong đó 06 tôn giáo có cơ sở thờ tự (Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Islam, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội), 02 tôn giáo (Phật giáo hoà hảo và đạo Baha'I) chỉ có tính đồ sinh hoạt. Toàn tỉnh có tổng 834.848 người có đạo (chiếm 70,85% dân số tỉnh).
Nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương có kinh tế phát triển nhanh, năng động, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Tây Ninh được xem là địa phương giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tây Ninh còn là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước ASEAN. Do vậy, Tây Ninh không chỉ là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông, mà còn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Tây Ninh có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng “trung dũng, kiên cường", cùng cả nước chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Ngay trong những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất Tây Ninh, nhiều cuộc đấu tranh đã diễn ra gắn liền với tên tuổi của Lãnh binh Tòng, Khâm Tấn Tường, Trương Quyền… Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ánh sáng của Đảng đã truyền đến Tây Ninh và các cơ sở đảng ở Giồng Nần, Quán Cơm, Phước Chỉ lần lượt hình thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Tây Ninh ngày càng lớn mạnh, đến tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, Tây Ninh đã giành được chính quyền về tay Nhân dân. Từ đó, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh tiếp tục cuộc kháng chiến 9 năm đầy “gian lao mà anh dũng" đánh đuổi thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ quê hương.
Trong 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tây Ninh là căn cứ địa kháng chiến đầu não của cách mạng miền Nam, nơi trú đóng của Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam… Nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, Tây Ninh chiến đấu oanh liệt, lập nhiều chiến tích lớn, góp phần cùng cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược leo thang chiến tranh của Mỹ. Trong đó, có thể kể đến thắng lợi của cuộc Đồng khởi Tua Hai, mở đầu cho phong trào đồng khởi vũ trang ở miền Nam; phong trào “Quyết tử giữ Gò Dầu", Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, đánh bại hàng loạt cuộc càn của Mỹ - nguỵ, như: Mistiff, Hattisburg, Birmingham, Attenboro, đặc biệt là phản công đánh bại cuộc càn Junction City của Mỹ, xứng danh là miền đất trung dũng, kiên cường.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, Tây Ninh bị tàn phá nặng nề, 60/73 xã trong toàn tỉnh bị tàn phá hoàn toàn, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sau năm 1975, vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, Tây Ninh lại bước vào cuộc chiến đấu chống Pôn pốt, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, một cuộc chiến đấu không kém phần khó khăn, gian khổ và hy sinh. Sau khi giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pôn Pốt đứng đầu. Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, Tây Ninh vừa phải ra sức khôi phục kinh tế tỉnh nhà, vừa thắt lưng buộc bụng chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kongpong Chàm (Campuchia) hồi sinh.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, bằng nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Tây Ninh từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh tế có bước phát triển vượt bậc, mọi mặt đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tây Ninh ngày nay là một vùng đất địa linh, giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tiềm năng về du lịch với nhiều điểm tham quan lý tưởng, có thể kể đến một số điểm chính:
- Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen trải rộng trên diện tích 24 km2, là một quần thể gồm 3 ngọn núi tạo thành, gồm: Núi Bà Đen, núi Heo, núi Phụng. Trong đó, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất (986 mét), từ lâu đã trở thành biểu trưng của tỉnh. Nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của du khách, ngoài 02 hệ thống cáp treo đang vận hành, ngày 18/01/2020, UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Sun Group đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống cáp treo mới hiện đại, trong đó ga Bà Đen được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới".
- Quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam bao gồm ba phân khu: Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích lịch sử Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Khu di tích lịch sử Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ở đây còn có Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, được vinh danh là Di sản ASEAN, quần thể Khu di tích này vừa là điểm tham quan, du lịch gần gũi thiên nhiên, vừa là địa chỉ đỏ, nơi thực hiện các hoạt động về nguồn nhằm lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
- Hồ Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi nhân tạo có qui mô lớn nhất nước và khu vực Đông Nam Á, với dung tích hồ chứa 1,58 tỉ m3, diện tích lòng hồ ước tính rộng khoảng 27.000 ha nằm giữa 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Hồ Dầu Tiếng nằm trên thượng nguồn sông Sài Gòn, cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 100 km đường bộ. Nhiệm vụ chính của hồ là phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, kết hợp dân sinh chống xâm ngập mặn, bảo vệ môi trường. Dự án điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng được xây dựng trên vùng đất bán ngập rộng của Hồ Dầu Tiếng với diện tích hơn 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW, được coi là dự án lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng sạch. Cụm nhà máy đi vào hoạt động cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688 triệu kWh mỗi năm.
- Toà Thánh Cao Đài là Tổ đình của đạo Cao Đài Tây Ninh, đồng thời là một công trình kiến trúc đặc sắc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, tham quan của du khách trong và ngoài nước.
Có ưu thế được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu ổn định, không gian xanh chiếm diện tích lớn, Tây Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, dựa trên thế mạnh kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh như thương mại - dịch vụ…
Song song với phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ, tỉnh rất quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế, cửa khẩu, tạo điều kiện phát triển kinh tế biên mậu. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, khai thác ở các ngành, lĩnh vực kinh tế lợi thế, tiềm năng, như: công nghiệp tinh chế sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.
Toàn tỉnh có 05 khu công nghiệp, khu chế xuất (Khu Công nghiệp Trảng Bàng, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, Khu Công nghiệp Chà Là, Khu Công nghiệp Thành Thành Công và Khu chế xuất Linh Trung III) đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển; có Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài và đang hình thành Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Tân Nam. Tỉnh đang tập trung đưa vào sử dụng Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông cấp nước tự chảy cho diện tích 16.953 ha đất nông nghiệp tại nhiều xã ở hai huyện Châu Thành, Bến Cầu; quy hoạch trung tâm Logistics, đường thuỷ nội địa, cảng cạn ICD.... Công tác thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được tỉnh chú trọng thực hiện gắn kết với thực hiện các chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) được triển khai thực hiện và đưa vào khai thác, cùng với đó là việc xây dựng, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 và quốc lộ 22B, các tuyến đường kết nối giữa Tây Ninh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An sẽ tạo “cú hích" lớn cho sự phát triển của Tây Ninh và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, kinh tế cửa khẩu.
Tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương trung dũng kiên cường, những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới; trên tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, quân và Nhân dân Tây Ninh đã và đang viết tiếp nên những trang sử mới của một Tây Ninh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.