Trong Nhà lưu niệm cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh trưng bày một số hình ảnh về phong trào đấu tranh ở Tây Ninh trước năm 1960 và hoạt động cách mạng của ông Hoàng Lê Kha.
Quân dân một lòng
Ngược dòng lịch sử, sau khi thực dân Pháp thua trận và chấp nhận ký kết Hiệp định Genève, tại Tây Ninh, tình hình có chuyển biến rõ rệt. Vùng giải phóng được mở rộng và không còn bom rơi, đạn nổ, Nhân dân phấn khởi trở về ruộng vườn, tăng gia sản xuất, náo nức chờ đợi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Bắc - Nam. Ngược lại, bọn tề, nguỵ hết sức hoang mang, dao động. Đế quốc Mỹ hất chân thực dân Pháp, dựng lên bộ máy chính quyền bù nhìn, tay sai mới và mở các chiến dịch “Diệt cộng, tố cộng”, bình định phát triển, bảo vệ hương thôn, cải cách điền địa, lập khu dinh điền, khu trù mật, ấp chiến lược... Tây Ninh là một trong những thí điểm để áp dụng “Quốc sách ấp chiến lược” của toàn miền Nam.
Trong thời kỳ này, Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, vừa đấu tranh trực diện với kẻ thù vừa đấu tranh chính trị, vừa xây dựng lực lượng. Để nắm tình hình quân địch và kịp thời tổ chức lực lượng cách mạng ở ngay trung tâm Thị xã - Châu Thành, Tỉnh uỷ Tây Ninh xây dựng cơ sở bí mật tại nhà của ông Nguyễn Văn Thương- cách cơ quan đầu não của địch khoảng 500 mét.
Đây là khu vực dân cư thưa thớt, bốn phía là ruộng vườn bao bọc vừa dễ quan sát tình hình địch vừa thuận lợi cho việc hội họp để truyền đạt những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Nơi đây đã bao lần các đồng chí trong Tỉnh uỷ đi về hội họp để liên lạc với cơ sở cách mạng và chỉ đạo quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù. Trong đó có các ông: Võ Văn Truyện (bí danh Tám Hoà- Bí thư Tỉnh uỷ), Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình- Tỉnh uỷ viên), Đặng Văn Lý (Mười Đôi- Phó Bí thư, Bí thư Thị xã uỷ, đến 1970 là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh), Hoa Sen (Thị xã uỷ), Hoàng Lê Kha…
Giữa nhà trang trọng đặt bàn thờ chân dung ông Hoàng Lê Kha.
Người thường xuyên có mặt tại ngôi nhà mà Tỉnh uỷ đặt làm cơ sở chỉ đạo và hội họp để truyền đạt nghi quyết của Đảng là ông Hoàng Lê Kha. Từ cơ sở chỉ đạo bí mật này, ông Hoàng Lê Kha đã trực tiếp gắn bó với phong trào, sâu sát với cơ sở, ẩn mình trong lòng địch, cùng với nhân dân lao động tổ chức đấu tranh với kẻ thù.
Ngày 26.8.1959, thực hiện chỉ thị của cấp trên, ông Hoàng Lê Kha đến dự hội nghị Thị xã uỷ. Tại cuộc họp này, ông phân tích diễn biến tình hình, âm mưu thâm độc của Mỹ- Diệm, nhận định Mỹ - Diệm sẽ đẩy mạnh “Tố cộng”, “Diệt cộng” bằng những biện pháp phát xít trắng trợn hòng tiếp tục tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, ông Hoàng Lê Kha chỉ đạo một số chủ trương cấp bách, vận động Nhân dân chống lại âm mưu đen tối của địch, bảo toàn lực lượng cách mạng.
Sau đó, ông Hoàng Lê Kha bị địch phát hiện, vây bắt tại nhà ông Nguyễn Văn Thương. Hơn một tháng kể từ sự kiện đồng khởi Tua Hai, 5 giờ sáng ngày 12.3.1960, kẻ thù bí mật đưa ông Hoàng Lê Kha đến Tam Hạp (huyện Châu Thành) và hành hình ông bằng máy chém.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái và các thành viên Văn phòng Tỉnh uỷ thắp hương tưởng nhớ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Lê Kha.
Ông Hoàng Lê Kha hy sinh là một tổn thất lớn của Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh trong thời kỳ 1954-1960. Tấm gương chiến đấu bất khuất, sự hy sinh anh dũng của ông cho sự nghiệp cách mạng trở thành ngọn lửa thổi bùng phong trào cách mạng trên quê hương Tây Ninh.
Địa chỉ đỏ cách mạng
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thương khi xưa lợp tranh, cột gỗ, vách ván. Trong nhà sau có căn hầm bí mật- là nơi để các đồng chí Tỉnh uỷ hội họp. Phía trên căn hầm được ngụy trang bằng bồ lúa. Trải qua thời gian lịch sử với nhiều biến động, ngôi nhà cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh khi xưa đã không còn nguyên vẹn.
Năm 1986, UBND thị xã Tây Ninh xây dựng lại ngôi nhà mới trên nền của ngôi nhà cũ, sử dụng vật tư bền vững hơn như gạch, xi măng, gỗ, mái lợp ngói tây, nền lát gạch bông. Kiến trúc ngôi nhà theo kiểu nhà ở dân dụng Nam bộ, mặt trước tô đá rửa, có tám cột tường nâng đỡ toàn bộ hệ thống vì kèo, mè, rui. Nhà trước có một cửa sổ, hai cửa thông gió, bảy cửa gió, một cửa chính và một cửa phụ thông ra nhà sau.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tham quan khu trưng bày vật dụng gia đình liên quan đến hoạt động cách mạng của ông Hoàng Lê Kha.
Bà Lê Thị Ngọc Diễm- Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP. Tây Ninh cho biết: “Năm 2022, ngôi nhà được trùng tu, xây dựng lại một lần nữa với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ trẻ mỗi dịp hè, lễ tết”.
Những ngày tháng 4 lịch sử, Văn phòng Tỉnh uỷ tổ chức đoàn về thăm Di tích lịch sử Nhà lưu niệm cơ sở Tỉnh uỷ. Có dịp đến tham quan di tích, các thành viên trong đoàn đều xúc động khi thấy giữa nhà ông Nguyễn Văn Thương bài trí trang trọng bàn thờ, trên đó có bức chân dung ông Hoàng Lê Kha.
Trên tường trưng bày một số hình ảnh về phong trào đấu tranh ở Tây Ninh trước năm 1960 và hoạt động cách mạng của ông Hoàng Lê Kha. Phía tường đối diện trưng bày bức tranh vẽ bối cảnh căn nhà của ông Nguyễn Văn Thương năm 1959. Trong nhà còn có mô hình tái hiện căn hầm bí mật được nguỵ trang bằng bồ lúa theo kiểu không gian 3D khá hiện đại. Trong những chiếc tủ kính xung quanh trưng bày nhiều vật dụng gia đình liên quan đến hoạt động cách mạng của ông Hoàng Lê Kha trong những năm kháng chiến.
Bức tranh vẽ bối cảnh căn nhà của ông Nguyễn Văn Thương năm 1959.
Nhà lưu niệm cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh là một trong hệ thống địa chỉ đỏ ở Tây Ninh, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng trong giai đoạn chiến tranh chống xâm lược kiêu dũng của quân và dân Tây Ninh. Đây là một trong những tài sản vô giá, ghi dấu ấn lịch sử hào hùng, quả cảm trong suốt quá trình chiến đấu của các đồng chí Tỉnh uỷ cũng như các cơ quan đầu não cách mạng ở Tây Ninh, thể hiện thế trận lòng dân vững chắc, sự gắn kết đặc biệt của Nhân dân Tây Ninh với cách mạng.
Năm 1999, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 142/QĐ-UBND công nhận nơi đây là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Hiện nay, đường đến di tích Nhà lưu niệm cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh được tráng nhựa bằng phẳng, thuận tiện cho việc tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng của người dân.
Để tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và gương hy sinh anh dũng của ông Hoàng Lê Kha- người con yêu dấu của quê hương Thanh Hoá - Tây Ninh, những năm qua, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh đã xây dựng nhiều công trình mang tên ông, như Trường tiểu học Hoàng Lê Kha (huyện Châu Thành), Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Xí nghiệp in Hoàng Lê Kha, đường mang tên Hoàng Lê Kha (TP. Tây Ninh).
Đại Dương