Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về văn hoá, văn nghệ, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người đã được nâng lên.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014 của BCH Trung ương Đảng (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” có ý nghĩa quan trọng, tầm vóc lớn.
Tính từ ngày đất nước thống nhất và đổi mới 10 năm sau đó, chưa bao giờ vấn đề xây dựng, phát triển văn hoá, chuẩn mực văn hoá lại được quan tâm như thời gian gần đây. Cùng nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển văn hoá của Tây Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, cũng như những vấn đề đặt ra.
Bối cảnh thực hiện Nghị quyết
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW diễn ra cuối tháng 5.2024, báo cáo chính thức của Tỉnh uỷ đánh giá, Tây Ninh thực hiện Nghị quyết 33 trong bối cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi. Kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, bác bỏ thông tin, quan điểm sai trái; phòng, chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngày càng hiệu quả.
Tây Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tỉnh đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá, huy động nguồn lực đầu tư kết hợp với ngân sách cân đối hằng năm của địa phương cho hoạt động văn hoá, từng bước nâng cấp, xây dựng thiết chế văn hoá trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần, phục vụ sinh hoạt, học tập cho nhân dân.
Múa trống Chhay-dăm trên đỉnh núi Bà Đen phục vụ du khách. Ảnh: Phan Dương
Sau đại dịch Covid-19, tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới và của đất nước, của địa phương chậm khôi phục. Tuy điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển, nhưng là tỉnh biên giới, đời sống người dân còn khó khăn. “Vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Việc đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn hoá còn hạn chế; cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của xã hội. Công tác xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá so với tốc độ phát triển còn chậm, sự tham gia của xã hội còn ít, chưa thu hút và định hình hoạt động để tư nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao”.
“Sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế cùng với sự du nhập của những văn hoá phẩm độc hại đang len lỏi, tác động vào đời sống văn hoá tinh thần xã hội, làm suy giảm phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam yêu nước. Sự chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hoà bình” đang hằng ngày, hằng giờ tác động làm xói mòn những giá trị, những quan hệ văn hoá, đạo đức, lối sống tốt đẹp trong xã hội... Sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá của một số ít cán bộ, đảng viên, những biểu hiện tiêu cực trong lối sống trái với thuần phong mỹ tục của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW”- Tỉnh uỷ đánh giá.
Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành hai quyết định kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với một số tổ chức đảng và đảng viên. Ban Thường vụ huyện, thị, thành uỷ tổ chức 28 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 46 tổ chức đảng và đảng viên, Ban Tuyên giáo huyện, thị, thành uỷ tổ chức 19 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 39 tổ chức đảng và đảng viên.
Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng cường công tác giám sát chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hoá, con người tại địa phương như: công tác xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, thể thao; hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, mạng lưới thư viện, công tác truyền thanh cơ sở... đáp ứng yêu cầu phát triển tại địa phương.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng đã đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW vào chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm của cấp uỷ.
Qua kiểm tra, giám sát, khảo sát đã đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển văn hoá, xây dựng con người Tây Ninh phát triển toàn diện về đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, tự hào lịch sử cách mạng, truyền thống văn hoá dân tộc. Các kiến nghị qua kiểm tra, giám sát, khảo sát được các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả.
Kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu
10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 33 và Chương trình hành động số 41-CTr/TU của Tỉnh uỷ đề ra. Từng bước xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hoá và con người Việt Nam thông qua các tiêu chí, cuộc vận động trong xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới, công tác gia đình hằng năm. Cụ thể như xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước khu dân cư, xây dựng gia đình văn hoá, ấp, khu phố văn hoá, cơ quan, đơn vị, trường học văn hoá, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh... để cá nhân phát triển nhân cách, đạo đức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước.
Học đờn ca tài tử. Ảnh: Phí Thành Phát
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị luôn quan tâm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh với mục tiêu “xây dựng văn hoá trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình”, thường xuyên chú trọng chăm lo xây dựng văn hoá trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng, phân bổ kinh phí cho các ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo nghệ thuật, nhất là khai thác các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể; văn hoá làng nghề; các đặc sản, ẩm thực địa phương. Có thể kể đến nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, đờn ca tài tử Nam bộ, các lễ hội dân gian, các loại bánh tráng, muối ớt Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen, bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc rau sông, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh... gắn với phát triển văn hoá du lịch. Tỉnh quan tâm liên kết giữa các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia... để phối hợp phát triển văn hoá du lịch, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá văn hoá, công nghiệp văn hoá góp phần phát triển kinh tế Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Việt Đông
(còn tiếp)
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33, ngày 18.8.2014, Tỉnh uỷ xây dựng Chương trình hành động số 41-CTr/TU, đặt ra mục tiêu về hạ tầng, thiết chế văn hoá. Tính đến cuối năm 2023, việc triển khai, thực hiện đã đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản đề ra. Cụ thể: 100% trung tâm văn hoá huyện, thị, thành phố hoạt động có hiệu quả; 100% thư viện cấp huyện, thị, thành phố được trang bị máy vi tính được kết nối mạng internet; 94/94 xã, phường, thị trấn đều có tủ sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của người dân; 94/94 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng, đạt 100%. 301/401 nhà văn hoá ấp, liên ấp và 13 nhà văn hoá dân tộc, đạt 75% (mục tiêu đặt ra là đạt 60%). Toàn tỉnh có 96 di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư hơn 250 tỷ đồng.
Tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 90,91% (mục tiêu đặt ra 70%). 532/535 ấp, khu phố văn hoá (đạt tỷ lệ 99,44%) (mục tiêu đặt ra 70%). 1.229/1.315 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, đạt 93,4% (mục tiêu đặt ra là đạt 80%). Số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng đạt 0,7 bản/người (chỉ tiêu này đạt thấp hơn so chỉ tiêu Chương trình hành động số 41-CTr/TU đặt ra là 1 bản sách/người). Nguyên nhân, việc thực hiện chuyển đổi số từng bước tăng cường tài liệu điện tử, tài liệu số và do thanh lọc, thanh lý tài liệu cũ, lạc hậu, vì vậy, số lượng bản sách giảm.