Sign In

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC CHIẾN THẮNG 30/4 LÀ CUỘC NỘI CHIẾN

22:56 23/04/2023
​  Hằng năm, cứ vào dịp 30/4, khi hầu hết đồng bào hân hoan, tự hào đón chào kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì đâu đó, còn có những luận điệu lạc lỏng, cho rằng “Nếu cộng sản không đem quân vào Nam thì sẽ không có cuộc chiến 20 năm", “Chiến thắng 30/4 là vết nhơ của cuộc nội chiến trong lịch sử dân tộc"… Đó là những nhận định mù quáng, cá nhân, cảm tính, bất chấp sự thật lịch sử.

* Sự ra đời của một chính quyền hợp pháp, hợp lòng dân

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, giành quyền cai trị toàn cõi Đông Dương, bao gồm Việt Nam. Đến tháng 8/1945, phát xít Nhật thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật đầu hàng các nước Đồng minh, quân đội Nhật đóng ở Việt Nam hoang mang, rệu rã.

Chớp thời cơ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã lãnh đạo toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành được chính quyền về tay Nhân dân. Vua Bảo đại thoái vị, trao ấn tín, quốc bảo tượng trưng quyền lực hoàng triều về tay Nhân dân với câu nói nổi tiếng “Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ".

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Cả nước tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra Quốc Hội, Chính phủ.

Như vậy, sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là hợp lý, hợp tình: Chính quyền do Nhân dân giành được từ tay phát xít Nhật; Vua Bảo Đại nguyện ý thoái vị; cả nước tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội, Chính phủ hợp pháp.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội (Ảnh tư liệu)

* Chiến thắng 30/4 là chiến công vĩ đại của Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Chính quyền Nhân dân vừa mới thành lập, còn non trẻ nhưng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Từ cuối tháng 9/1945, lợi dụng việc quân Đồng minh vào Việt Nam giải giáp phát xít Nhật, Pháp đưa quân trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, dẫn tới cuộc kháng chiến 9 năm hào hùng của quân, dân Việt Nam, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, tạm thời phân định Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc qua vĩ tuyến 17 và sẽ tiến hành tuyển cử toàn quốc vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã không bao giờ được thực hiện trọn vẹn. Với sự suy yếu của Pháp sau thất bại tại Điện Biên Phủ, để triển khai “Chiến lược ngăn chặn" phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn xuống khu vực Đông Nam Á, Mỹ đã từng bước hất chân Pháp ra khỏi Việt Nam, lập nên chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm.

Trong 21 năm, từ 1954 – 1975, Mỹ đã viện trợ hơn 26 tỷ USD cho Việt Nam Cộng hoà và lần lượt triển khai các chiến lược chiến tranh như: Chiến tranh đơn phương", chiến lượcChiến tranh đặc biệt" (từ năm1961 đến giữa năm 1965), chiến lượcChiến tranh cục bộ" và cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968), đến chiến lượcViệt Nam hoá chiến tranh", phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc (từ năm 1969 đến năm 1973). Phục vụ cho các chiến lược này, Mỹ đã huy động 6,6 triệu lượt lính Mỹ và 72.600 quân chư hầu tham chiến ở Việt Nam.

Trong 21 năm này, số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn, trong đó riêng số bom mà máy bay Mỹ ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, tương đương sức công phá của 250 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản), bình quân mỗi người Việt Nam thời đó phải hứng chịu khoảng 250 kg bom ném xuống từ máy bay Mỹ. Tổng chi phí chiến tranh xâm lược của Mỹ phải bỏ ra ở Việt Nam là 676 tỉ USD.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ dừng lại sau thất bại của chiến dịch 12 ngày đêm ném bom rãi thãm trên bầu trời Hà Nội (từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972). Vào ngày 27/01/1973, tại Paris, Mỹ đã ký kết Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" với phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh và các bên liên quan, cam kết rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, chấm dứt mọi can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam, Mỹ sẽ chỉ còn duy trì viện trợ và cố vấn quân sự cho chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Mất đi vai trò chủ lực của ông chủ Mỹ, không lâu sau đó, ngày 30/4/1975, chính quyền tay sai Việt Nam cộng hoà tuyên bố đầu hàng, miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.


Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Khi nói đến chiến tranh Việt Nam và Mỹ, tác giả cuốn sách Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ (xuất bản năm 1991 tại Mỹ) khẳng định: “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam".

Giáo sư, tiến sĩ E.Tin-pho, Học viện Chỉ huy tham mưu Không quân Mỹ nhận định: "Năm 1975, Mỹ đã để một nhà nước được Mỹ đẻ ra và nuôi dưỡng hơn hai thập kỷ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu".

Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu cay đắng: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập".

Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ thẳng thắng thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm “kép nhất", và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê".

Sự thật lịch sử và ý kiến của những người trong cuộc, chuyên gia là bằng chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất, không thể chối cãi, xuyên tạc. Hiển nhiên không có chuyện “miền Bắc xâm lược miền Nam" hay “Chiến thắng 30/4 là một cuộc nội chiến" như các phần tử phản động, cơ hội chính trị, chống phá chế độ rêu rao. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng Ngày Chiến thắng 30/4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang vàng chói lọi nhất, không ai có thể xuyên tạc.

 

 

Hoàng Trần

Tag:

File đính kèm