Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần trọng tâm, thực chất, giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội. Đây là chỉ đạo của Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra sáng 13.12.
Hội nghị do Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức dưới sự chủ trì của ông Trương Nhật Quang - Trưởng Ban Dân vận tỉnh uỷ, phụ trách Uỷ ban MTTQVN tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, trong 3 năm qua, phong trào “Dân vận khéo” được phát động trong toàn tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang hưởng ứng tích cực.
Mặc dù có gần 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội góp phần đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa trong xã hội.
Các điển hình “Dân vận khéo” đã tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân, sự chủ động, tích cực của nhân dân tham gia góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần gắn kết, thúc đẩy và tăng hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh Tố Tuấn
3 năm qua, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở thực hiện gần 1.600 mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực, vận động được gần 2,5 triệu lượt người tham gia, huy động hiện vật và tiền mặt được trên trên 875 tỷ đồng.
Các tham luận của lãnh đạo các ngành, địa phương tại hội nghị góp phần minh hoạ làm rõ hơn kết quả, cách làm, kinh nghiệm triển khai các phong trào, mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật như vai trò của UB.MTTQVN và các tổ chức thành viên thực hiện công tác an sinh xã hội, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Liên đoàn Lao động tỉnh với rất nhiều phong trào, mô hình chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động; công tác dân vận chính quyền trong triển khai thực hiện các mô hình “Phường, xã vì dân” tại thành phố Tây Ninh; dân vận khéo để xử lý các vụ việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo tại thị xã Hoà Thành.v.v.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, các phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: nội dung, hình thức triển khai phong trào ở một số nơi còn chung chung, chưa rõ nội dung trọng tâm, chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chưa tạo được động lực để đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia; số lượng đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” chưa nhiều.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận” năm 2023 cho các cá nhân. Ảnh Tố Tuấn
Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình, mô hình “Dân vận khéo” có lúc, có nơi chưa kịp thời.
Các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong vận động kinh phí, hàng hoá theo chủ trương xã hội hoá về phong trào xây dựng nông thôn mới, các hạng mục công trình, phúc lợi của Nhà nước.
Nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống của cán bộ làm công tác dân vận chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số cơ sở hoạt động còn kém, khó khăn về nhân sự dẫn đến tổ chức các hoạt động phong trào chưa mạnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá những kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là rất đáng ghi nhận, đáng trân trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Gần 1.600 mô hình “Dân vận khéo” nhưng những mô hình thực sự hiệu quả còn khiêm tốn, một số mô hình còn dàn trải và mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, chưa đủ sức lan toả mô hình trong toàn tỉnh và chưa đi vào các vấn đề bức xúc xã hội. Đây là vấn đề cần phải quan tâm để phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Trương Nhật Quang - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, phụ trách Uỷ ban MTTQVN tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ đề nghị đánh giá thực chất các mô hình “Dân vận khéo” trong đó có mô hình “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” trên toàn tỉnh. Những nơi làm tốt, mô hình hay cần giới thiệu điển hình nhân rộng toàn tỉnh. “Nếu chỉ lo về phát triển kinh tế mà không chăm lo cho đạo đức xã hội, truyền thống văn hoá của dân tộc thì nguy cơ rất cao xảy ra những hệ luỵ xấu như tệ nạn xã hội, các loại tội phạm...
Trong thời gian tới, các mô hình, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải có trọng tâm, trọng điểm, đi vào những vấn đề bức xúc xã hội, do thực tiễn đời sống xã hội đặt ra, gắn với lợi ích thiết thực của người dân và triển khai từ chính mỗi người dân, từng hộ gia đình cho đến toàn xã hội. Và muốn làm dân vận cho tốt, hiệu quả, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực sự gương mẫu để người dân tin tưởng và noi theo.” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái cũng gợi ý, chia sẻ một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả nhiệm vụ “Dân vận khéo” trong thời gian tới. Cụ thể như trọng tâm gắn với mục tiêu cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PCI, SIPAS, PAPI, PAR INDEX...); vận động người dân tham gia chuyển đổi số, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân...
Dịp này, 19 tập thể, 18 cá nhân có thành tích trong 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được nhận bằng khen của UBND tỉnh; 17 cá nhân được trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận” năm 2023.
Phương Thuý