Lãnh đạo huyện công bố, ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Châu, giai đoạn 1989-2020.
Đặc điểm vùng đất mới
Phần đầu, quyển sách giới thiệu về lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội và truyền thống cách mạng của huyện Tân Châu.
Tân Châu được thành lập ngày 13.5.1989, trên cơ sở điều chỉnh phân vạch địa giới hành chính hai huyện Tân Biên và Dương Minh Châu. Phần lớn địa hình huyện tương đối bằng phẳng, có xu hướng thấp dần từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, nơi bằng thấp là vùng hồ Dầu Tiếng.
Địa hình mang đặc trưng của thềm phù sa cổ chuyển tiếp, gợn sóng yếu và đồi thấp chiếm phần lớn diện tích. Huyện Tân Châu nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, có nền nhiệt độ cao đều quanh năm, trung bình đạt 26,6°C. Lượng mưa khá dồi dào, bình quân đạt 1.823 mm/năm, thích hợp để phát triển cây trồng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp và cây có củ.
Trên địa bàn huyện Tân Châu có 15 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số (90%), tiếp theo là dân tộc Khmer, Chăm và các dân tộc ít người khác. Người dân Tân Châu có nguồn gốc là con cháu của các nghĩa quân, binh sĩ đồn trú do triều đình nhà Nguyễn phái đến, không chấp nhận đầu hàng giặc Pháp hoặc là những người không chịu nổi sự bóc lột của bọn cường hào, địa chủ phải bỏ làng, lánh sâu vào vùng rừng núi, căn cứ kháng chiến. Ngoài ra, còn một số nông dân miền Trung bị mất đất canh tác, không chịu nổi sưu cao, thuế nặng nên tìm đến đây sinh sống.
Người Kinh trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung theo trục lộ chính và khu thị tứ. Các dân tộc ít người, một số sống rải rác xen kẽ với người Kinh, một số sống tập trung từng cụm ấp (phum, sóc). Người Khmer sinh sống khá lâu đời trên vùng đất Tân Châu, phần lớn tập trung ở các xã biên giới giữa Việt Nam-Campuchia, đông nhất tại các ấp Kà Ốt, Tầm Phô, Suối Dầm (xã Tân Đông) và sống theo từng cụm tại ấp Con Trăn (xã Tân Hoà).
Người Khmer sống chan hoà với các dân tộc khác, sinh sống chủ yếu bằng cách làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng bào Khmer vẫn giữ tốt tập quán cổ truyền, các lễ, hội truyền thống hằng năm đều được giữ gìn, như tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Pchum Ben, Sen Dolta.
Đồng bào dân tộc Chăm ở Tân Châu phần lớn cư trú tập trung ở các ấp Chăm (xã Suối Dây), Tân Trung A, Tân Trung B (xã Tân Hưng), Bàu Châu É - ấp Tân Châu (xã Tân Phú) và ấp Hội Thanh (xã Tân Hội). Dân tộc Chăm ở Tân Châu phần lớn theo đạo Hồi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một số dân tộc khác như Hoa, Tày, Stiêng, số lượng không nhiều, sống đan xen với người Kinh.
Khi mới thành lập huyện, Tân Châu có tổng số dân là 46.131 nhân khẩu. Sau này, dân số của huyện tăng nhanh, do dân cư từ nhiều nơi khác về đây lập nghiệp. Từ năm 1994, nhiều người dân từ tỉnh Hà Bắc chuyển vào theo hệ thống chi cục di dân, hình thành khu kinh tế mới xã Tân Hà.
Hiện nay, toàn huyện có 5 tôn giáo chính là Phật giáo, Cao Đài, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo với hơn 54.000 tín đồ và 31 cơ sở thờ tự, điểm sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động của các tôn giáo không chỉ chú trọng về giáo lý, đạo pháp, các nghi lễ thờ cúng mà còn gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của người dân, thực hành theo phương châm tốt đời, đẹp đạo.
Nhiều tổ chức tương tế, thiện nguyện, từ thiện kết hợp với các tổ chức quần chúng tích cực vận động lương - giáo đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương. Nhiều chức sắc tôn giáo ở Tân Châu là đại biểu hoạt động tích cực trong Mặt trận Tổ quốc, HĐND huyện, các xã, thị trấn đã ra sức vận động mọi tầng lớp Nhân dân tập trung trí tuệ, sức lực để xây dựng huyện Tân Châu ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Trang bìa cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Châu, giai đoạn 1989- 2020.
Truyền thống cách mạng vẻ vang
Với địa hình rừng hiểm trở cùng các điều kiện thuận lợi khác, Tân Châu có vị trí chiến lược quan trọng. Qua các thời kỳ kháng chiến, nơi đây luôn được chọn làm căn cứ địa chống giặc ngoại xâm của tỉnh Tây Ninh. Các lực lượng kháng chiến có thể triển khai lực lượng và liên lạc với khu Nam Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ trù phú về lương thực. Lúc gặp khó khăn, có thể chuyển lực lượng lên dọc biên giới Việt Nam và Campuchia.
Qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Tân Châu đã cùng quân chủ lực giải phóng tổ chức nhiều cuộc tiến công, đập tan nhiều cuộc hành quân quy mô của địch, như cuộc tập kích của địch vào căn cứ Xứ uỷ Nam bộ (X40 Đồng Rùm), Tà Dơ với hơn 20 tiểu đoàn địch có máy bay, xe tăng yểm trợ; cuộc phản công chiến lược lần I, lần II của đế quốc Mỹ mà trọng tâm là cuộc hành quân Attelboro và trận càn Junction City với hơn 45.000 lính Mỹ tham chiến; cuộc hành quân “Hòn đá vàng”...
Qua các trận đánh, ta đã tiêu diệt hàng chục ngàn tên Mỹ - nguỵ, hàng trăm xe tăng, hàng chục máy bay các loại; vây hãm, bức rút nhiều đồn, bót của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng, các cơ quan não của cách mạng như Bộ Tư lệnh Miền, Trung ương Cục miền Nam qua các thời kỳ.
Ngoài ra, người dân Tân Châu đã động viên hàng trăm thanh niên vào bộ đội địa phương, bổ sung lực lượng cho các đơn vị quân chủ lực giải phóng, tham gia vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng tỉnh nhà.
Trong suốt cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, du kích và Nhân dân xã Tân Đông, cùng với lực lượng vũ trang của cấp trên đã bảo vệ hơn 47.000 km đường biên giới của xã, kiên trì bám trụ, giữ từng tấc đất, đồng thời tiến hành hơn 20 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt hàng chục tên Pol Pot.
Để giữ vững địa bàn, lực lượng dân quân tự vệ, công an, huyện đội tổ chức 40 lần truy quét tàn quân nguỵ, Pol Pot trên dọc tuyến biên giới; kết hợp với công binh tháo gỡ hàng ngàn quả mìn các loại, đóng góp hơn 80.000 chông tre, bẫy hơn 10 bãi mìn các loại và hàng chục ngàn ngày công để xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; cưu mang, đùm bọc đồng bào và những người Khmer, Hoa kiều từ Campuchia sang lánh nạn.
Quyển sách cũng nêu rõ quá trình thành lập Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Châu. Huyện uỷ, UBND huyện Tân Châu lãnh đạo Nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức, ổn định về mọi mặt để có được Tân Châu phát triển như ngày hôm nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (người đi thứ hai trong đoàn) về thăm Căn cứ Đồng Rùm (ảnh trên) và Căn cứ Đồng Pan khi mới giải phóng.
Về hình ảnh, quyển sách in nhiều ảnh về huyện Tân Châu khi mới thành lập, như ảnh chụp khu vực ngã tư Đồng Pan chỉ là một dãy nhà trệt, thô sơ, cũ kỹ; hay chợ Suối Dây (xã Suối Dây) vào năm 1989 chỉ có một số tăng bạt che tạm bợ ven đường. Đường giao thông nông thôn khi mới thành lập huyện là con đường đất nhỏ hẹp uốn lượn giữa cánh đồng. Nhà dân khi mới thành lập huyện là những căn nhà tranh, vách đất.
Đặc biệt, trong sách còn có hình ảnh những lãnh tụ của đất nước trong những lần về thăm Tân Châu, như: hình cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm Căn cứ Đồng Rùm; hình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm vùng chuyên canh cây mía ở huyện Tân Châu; hình Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm nhà máy đường Nước Trong- biểu tượng hợp tác giữa Việt Nam và Cuba tại Tân Châu- vào cuối năm 1995; hình nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thị Bân thăm công nhân Công ty Cao su Tân Biên năm 2007; hình nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gắn mảnh ghép hoàn thành bức tranh Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh, thay nghi thức cắt băng khánh thành v.v…
Nhìn chung, sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Châu, giai đoạn 1989-2020" được biên soạn kỹ, in ấn đẹp, chứa đựng nhiều tư liệu quý về huyện non trẻ nhất của Tây Ninh. Quyển sách dày 255 trang, khổ 16 x 24 cm, rất có ích cho thế hệ trẻ và những người muốn tìm hiểu về lịch sử của một vùng đất mới vừa tròn 35 năm, ở phía Đông Bắc của tỉnh Tây Ninh.
Đại Dương