Chiến tranh khốc liệt đã lấy đi của những người lính ít nhiều trí nhớ, sức khoẻ, một phần máu xương và mang luôn cả những người đồng đội về với đất mẹ. Người ở lại nay cũng đã chạm ngưỡng thất thập, song, ký ức về một thời oanh liệt, một thời sống và chiến đấu bảo vệ quê hương vẫn luôn trong tim của những cựu chiến binh.
Ông Nguyễn Tân Hiệp, nguyên cán bộ cách mạng hoạt động ở Căn cứ Suối Môn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Ký ức không quên
Trong những năm tháng chiến tranh, Tây Ninh là địa bàn trọng điểm, nơi in hằn dấu chân của hầu hết các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang… trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, núi Bà Đen từng là nơi án ngữ cửa ngõ ở hướng Bắc, Tây Bắc Sài Gòn. Hằng ngày, khắp vùng núi rộng khoảng 50.000m2 phải hứng chịu mật độ bom đạn dày đặc với quyết tâm tiêu diệt “con mắt nguy hiểm” của Đảng Cộng sản. Núi Bà Đen cũng là nơi mà cán bộ các cơ quan của Huyện uỷ Dương Minh Châu, Huyện uỷ Toà Thánh (nay là thị xã Hoà Thành), Liên đội 7… trú đóng. Nơi sườn núi này đã có không ít cán bộ, chiến hy sinh trong những trận càn, những trận oanh kích bằng pháo binh, bằng máy bay của kẻ thù, do bom đạn cày đi, xới lại mà chưa thể tìm thấy xác.
Sau 49 năm hoà bình lập lại, nhưng với ông Nguyễn Tân Hiệp, nguyên cán bộ cách mạng hoạt động ở Căn cứ Suối Môn nơi đóng quân của Chi bộ, lực lượng vũ trang xã Phan (huyện Dương Minh Châu) vẫn không thể quên được những trận chiến ác liệt, những người đồng đội đã ngã xuống.
Ông Hiệp chậm rãi kể, năm 1969, Mỹ đưa ra chiến thuật “giữ và quét”- tức là càn quét bên ngoài, giữ bên trong. Lúc đó, địch tập trung đánh phá ác liệt ở rừng huyện Dương Minh Châu. Chi bộ xã Phước Hội (xã Phan ngày nay) họp bàn, phải đưa một bộ phận lên Suối Môn để vận động quần chúng đấu tranh, bẻ gãy âm mưu của địch. Sau khi bàn bạc, Chi bộ thống nhất cử ông Hiệp và ông Nguyễn Văn Đang (5 Đang) cùng một số cán bộ và 4 du kích lên Căn cứ Suối Môn.
Ông Nguyễn Tân Hiệp, nguyên cán bộ cách mạng hoạt động ở Căn cứ Suối Môn kể lại những năm tháng chiến đấu của quân và dân ta.
“Lên được mấy ngày, chưa chuẩn bị lương thực, thực phẩm được bao nhiêu thì địch bao vây, càn quét. Pháo bắn quyết liệt lên sườn núi, máy bay thì ném bom. Chúng bao vây núi ngăn chặn tiếp tế và thông tin của ta với cơ sở. Dù rất khó khăn, nguy hiểm nhưng anh em, chiến sĩ của ta vẫn sống rất lạc quan, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ quê hương, không ai lo sợ khi phải đối diện với mưa bom, bão đạn, giữa ranh giới sự sống và cái chết. Suốt 1 tháng 20 ngày không có gạo ăn, anh em chúng tôi ăn rau rừng, dựa vào nhau mà sống”- ông Hiệp nói.
Còn đối với Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mĩa (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu), chiến tranh ác liệt đã lấy đi tính mạng của chồng, con trai và 35 người thân trong gia đình bà khi tuổi đời còn khá trẻ.
Gặp mẹ vào một buổi chiều mưa, mẹ kể: tuổi đôi mươi, mẹ lấy chồng về làm dâu ở xã Bàu Năng, chồng tham gia kháng chiến, mẹ hết lòng ủng hộ, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc các con. Đến năm 1962, chồng mẹ- liệt sĩ Cao Văn Nở- anh dũng hy sinh, để lại người vợ trẻ và 4 đứa con nhỏ.
“Nhận tin chồng hy sinh, mẹ tưởng như không thể gượng dậy, nhưng thấy đàn con thơ dại, mẹ nuốt nước mắt vào lòng, vượt lên nỗi đau. Mẹ một mình vừa đi làm thuê vất vả nuôi con, vừa phải đối phó với sự rình rập, trấn áp của quân thù và truyền cho các con ngọn lửa yêu nước” – mẹ Mĩa nói.
Đến năm 1965, mẹ Mĩa bị bắt, bị đánh đập, tra tấn nhưng bà kiên quyết không khai báo. Tháng 2.1966, trước tinh thần kiên trung của mẹ, bọn chúng đành thả bà về. Trong khoảng thời gian này, con trai thứ hai của mẹ học lớp 11 cũng lên đường nhập ngũ.
Mẹ nói: “Theo lệnh của cấp trên, con trai bắt liên lạc với cơ sở để mua máy đánh chữ, trên đường trở về căn cứ thì bị lọt phục kích của địch. Một ngày sau khi con trai mất, mẹ mới biết tin con hy sinh”, đó là liệt sĩ Cao Văn Khọn đã anh dũng hy sinh khi đi giao liên.
Đón các anh về với đất mẹ
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng với nhiều gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, nỗi đau chưa thể nguôi khi hài cốt của người thân, của đồng chí đồng đội vẫn còn nằm đâu đó trên khắp các nẻo đường Tổ quốc và cả ở nước bạn.
Việc đưa các liệt sĩ về với đất mẹ quê hương gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ song hành trình ấy vẫn được Đảng, Nhà nước, các cán bộ chiến sĩ và người dân thực hiện với quyết tâm cao nhất.
Những ngày tháng 7, Tây Ninh thường xuất hiện mưa nhiều, nhưng ngày 24.7 khi tỉnh tổ chức lễ truy điệu và an táng 172 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại Campuchia, thì trời trong xanh đến lạ.
Có lẽ vì trong cuộc trường chinh chống thực dân, đế quốc, chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hàng triệu người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Máu của các anh hùng liệt sĩ đã hoà vào lòng đất mẹ, chiến công của các anh đã ghi vào lịch sử, tạc vào bia đá; hình ảnh oai hùng của các anh sống mãi trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam yêu nước và là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Vào ngày 24.7, 172 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại Campuchia đã được quy tập về nước.
Trong bài điếu văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh xúc động nói: chiến tranh đã đi qua, nhường chỗ cho niềm vui, hạnh phúc và sự vươn lên của cuộc sống mới. Song, niềm vui, hạnh phúc chưa trọn vẹn khi còn đó những nỗi đau chất độc da cam, còn đó những nỗi đau vợ mất chồng, mẹ mất con, anh mất em, còn đó những mộ liệt sĩ chưa biết tên hay một dòng địa chỉ, những hương hồn liệt sĩ chưa về với đất mẹ.
Dẫu biết rằng khi ngã xuống, hy sinh vì đất nước, không một chiến sĩ nào suy nghĩ, đắn đo, toan tính cho riêng mình dù tuổi đời còn rất trẻ, bởi các anh chấp nhận hy sinh để dân tộc được trường tồn. Các anh ơi! Những người con trung kiên quả cảm, hễ còn một hương hồn chưa về với đất mẹ, còn một mộ bia chưa được gọi tên là nỗi đau, là trách nhiệm chưa tròn của người đang sống”.
Để chiến đấu và chiến thắng trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, 9 nghĩa trang trên địa bàn tỉnh là nơi an nghỉ của hơn 30.000 liệt sĩ. Trong đó, khoảng 10.000 mộ có đủ thông tin, còn gần 10.000 mộ thiếu thông tin và hơn 10.000 mộ không có thông tin (có 2 mộ tập thể). Và còn đó rất nhiều những liệt sĩ đã ngã xuống nhưng chưa tìm được hài cốt, đây là những trăn trở của người còn lại và cả thế hệ mai sau.
“Chính tay tôi đã chôn 3 người đồng đội hy sinh trong trận càn ác liệt của địch cùng một chỗ và một số người chôn riêng. Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa thể tìm thấy mộ, hài cốt của những đồng đội vào sinh ra tử với mình” – ông Nguyễn Tân Hiệp, nguyên cán bộ cách mạng hoạt động ở Căn cứ Suối Môn nói.
Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dâng hương lên các mộ liệt sĩ đang an nghỉ tại Đồi 82.
Còn ông Vũ Văn Dần, sinh năm 1950, ngụ khu phố 2, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu chia sẻ: 17 tuổi ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau những trận chiến ác liệt năm 1968, sau trận đánh cầu Trà Phí, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Đến nay, vẫn còn rất nhiều đồng đội chưa tìm thấy hài cốt là trăn trở của ông khi tuổi xế chiều.
Đôi mắt rưng rưng, ông Dần nói: “Chiến tranh ác liệt lắm, nhiều đồng đội ngã xuống, chúng tôi chỉ kịp an táng đơn sơ rồi lại phải tiếp tục nhiệm vụ cách mạng. Đến khi hoà bình lập lại, chúng tôi đi tìm mãi cũng không thấy các anh. Trước đây khi còn khoẻ, tôi vẫn cùng với các đồng chí khác đi tìm và hỗ trợ nơi ăn, ở, đi lại cho các đoàn đi quy tập hài cốt các liệt sĩ. Giờ yếu rồi…”.
Vũ Nguyệt
(còn tiếp)